Thời sự
Xe công đón Bí thư huyện tận nhà, ngân sách nào chịu?
Mạnh Bôn - 30/05/2014 07:37
Chỉ ra hàng loạt hạn chế, khiếm khuyết trong cả thu lẫn chi khi thảo luận Quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012 chiều 29/5, nhưng nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cuối cùng, vào ngày 9/6/2014, Quốc hội vẫn biểu quyết thông qua Quyết toán NSNN năm 2012 như kiểu thông qua chuyện đã rồi.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Đốc thúc thu cổ tức tại doanh nghiệp có vốn nhà nước
Hơn 34.000 tỷ đổi mới sách giáo khoa, hiệu quả thế nào?
Đại biểu Quốc hội lo ngân khố dễ bị vỡ nợ
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thúc các tỉnh tăng thu ngân sách
Thu thuế từng đồng, gian lận tiền tỷ

Dẫn báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Kiểm toán Nhà nước, Đại biểu Bùi Đức Thụ nhắc lại, việc xử lý các vi phạm thu ngân sách còn chưa đúng quy định, tính răn đe chưa đủ mạnh nên tình trạng khai man, trốn thuế nhất là tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và trốn thuế, gian lận thuế ở khu vực ngoài quốc doanh diễn ra khá phổ biến.

“Kết quả kiểm toán và thanh tra cho thấy, hầu hết tổ chức được kiểm toán, thanh tra đều kê khai chưa đầy đủ các khoản phải nộp ngân sách, trong đó chỉ riêng Kiểm toán Nhà nước mới chỉ thực hiện kiểm toán ở một số đơn vị đã kiến nghị nghị tăng thu ngân sách năm 2012 trên 3.850 tỷ đồng”, ông Thụ phát biểu.  

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến 31/12/2012, nợ đọng thuế lên tới 55.056 tỷ đồng, tăng 19.938 tỷ đồng so với năm 2011, chiếm 12% tổng thu nội địa trừ dầu thô, trong đó nợ khó thu tăng 36%, nợ có khả năng thu tăng 48%. Đáng báo động là có tới 12/19 tỉnh hụt thu năm 2012 lại có mức nợ thuế tăng trên 50% so với năm 2011.

Nguyên nhân của tình trạng nợ đọng thuế, theo ông Thụ, bên cạnh nguyên nhân khách quan là nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thì có nguyên nhân chủ quan là công tác đôn đốc thu nợ của cơ quan quản lý thuế chưa triệt để, việc xử lý nợ chưa thực sự kiên quyết, nghiêm minh.

“Những hạn chế, khiếm khuyết trong thu - chi ngân sách như trên đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và nếu không có sự thay đổi căn bản thì những hạn chế này vẫn tiếp tục được nhắc đến và cuối cùng thì Quốc hội vẫn cứ phải thông qua quyết toán ngân sách năm 2013, 2014 cũng như những năm tới”, ông Thụ nói.

Nợ đọng, thất thu, trốn thuế khiến NSNN luôn trong trạng thái mong manh, dễ vỡ. “Điều đáng nói là vấn đề này năm nào cũng được đề cập và năm nào Bộ Tài chính, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Kiểm toán Nhà nước cũng đưa hàng loạt giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại, yếu kém nhưng không biết đến bao giờ mới thay đổi được tình trạng này”, Đại biểu Võ Thị Dung lên tiếng.

Đề cập đến kỷ luật, kỷ cương tài chính, bà Dung khẳng định, trước thực trạng cân đối ngân sách gặp khó khăn, năm 2012, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thắt chặt việc mua xe ô tô công, nhưng cuối cùng, NSNN vẫn phải chi tiền cho các bộ ngành, địa phương mua tới 1.700 xe ô tô công các loại.

“Không biết khi biểu quyết NSNN năm 2012, các đại biểu Quốc hội có mạnh dạn không thông qua khoản mua ô tô công năm 2012 không”, bà Dung đặt câu hỏi mặc dù vẫn biết rằng, cuối cùng tất cả các khoản chi đều được thông qua vì các bộ ngành đã chi rồi, việc Quốc hội thông qua quyết toán chỉ là hợp lý hóa chuyện đã rồi.

“Các khoản đã chi rồi, khi biểu quyết thông qua, chúng ta (các đại biểu Quốc hội) chắc là đồng ý với phương án của Bộ Tài chính. Vấn đề quan trọng là từ nay trở đi, dứt khoát Quốc hội sẽ không thông qua các khoản chi vượt dự toán, chi không đúng chính sách, tiêu chuẩn, chế độ, không hợp lý. Chủ quyền quốc gia đang bị đe dọa, Quốc hội phải chắt chiu từng đồng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền đất nước nên dứt khoát từ nay trở đi không thông qua mọi khoản chi lãng phí, kém hiệu quả”, bà Dung nhấn mạnh.

   
  Ông Lê Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa  

Đại biểu Lê Nam tỉnh Thanh Hóa kể, khi đi tiếp xúc cử tri được phản ánh, có đồng chí bí thư huyện ủy cứ trời mưa là bảo lái xe đưa đón tận nhà.

“Việc bí thư huyện ủy sử dụng xe công đưa đón tận nhà, dù là trời mưa đi chăng nữa cũng không đúng chế độ. Nếu việc đưa đón tận nhà cứ lặp đi lặp lại sẽ tạo thành tiền lệ xấu và lãnh đạo các địa phương khác cũng sẽ noi gương”, ông Nam nhắc lại phản ánh của cử tri.

“Sử dụng xe công đưa đón không đúng tiêu chuẩn, sử dụng xe công đi hội hè, lễ chùa báo chí nói nhiều, đại biểu Quốc hội nói cũng rất nhiều nhưng dường như tình hình vẫn không có nhiều chuyển biến. Chính vì vậy, có nhiều cử tri nói rằng, các ông nói thì cứ nói, báo chí thích thì cứ nói còn người ta vẫn cứ sử dụng xe công thỏa mái thì NSNN nào chịu đựng được”, ông Nam phát biểu.   

Phản ánh về thực tế giao thu ngân sách, ông Nam cho rằng, việc giao thu NSNN có nhiều vấn đề cần bàn. Cụ thể là Quốc hội thông qua dự toán thu NSNN năm sau thường xuyên giao cao hơn năm trước, sau đó Trung ương giao thu cho tỉnh lại tăng thêm mấy phần trăm, tỉnh giao cho huyện, huyện giao cho xã, cứ mỗi cấp lại tăng thêm mấy phần trăm nữa mà không cân nhắc đến tình hình sản xuất, kinh doanh năm sau có tăng hơn năm trước hay không.

“Ngoại trừ năm 2014, còn từ trước đến nay, NSNN năm sau bao giờ cũng giao tăng thu so với năm trước và cứ xuống mỗi cấp số giao thu lại tăng lên. Cuối năm, tất cả đều “vỗ tay” vì hoàn thành vượt kế hoạch. Trong khi người dân than phiền, họ vẫn làm ăn buôn bán như năm cũ, doanh thu, lợi nhuận vẫn vậy, chỉ có nộp ngân sách là tăng lên. Thực tế này nói lên rằng, dự toán thu NSNN không sát thực tế và người dân mỗi năm lại phải đóng góp nặng hơn”, ông Nam kết luận.

“Cơ quan, đơn vị thực hiện đúng kỷ luật ngân sách cũng như cơ quan, đơn vị chi tiêu “tràn cung mây” hiện nay gần như “hòa cả làng” vì tôi chưa thấy xử lý được ai”, Đại biểu Trương Thị Huệ lên tiếng và đề nghị, để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương phải công bố kết luận của Kiểm toán Nhà nước tại các cơ quan dân cử để người dân biết tiền thuế của họ được sử dụng ra sao và phải có chế tài xử lý đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức chi tiêu không đúng tiêu chuẩn, định mức, lãng phí, kém hiệu quả.

"Chuyển giá là căn bệnh trầm kha"

(baodautu.vn) Nguyên nhân chính dẫn đến chuyển giá, gửi giá, theo đại biểu Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, là do chế tài xử phạt “nhẹ như lông hồng”. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận, việc quản lý thuế có lúc, có nơi chưa hiệu quả đã dẫn đến tình trạng gian lận thuế, trốn thuế dưới nhiều hình thức khác nhau.

Nâng bội chi ngân sách trên 4,8% GDP

(baodautu.vn) Ví việc giữ lạm phát ở mức 2,35% so với đầu năm như là đã "kìm được cương ngựa bất kham", TS. Trần Du Lịch cho rằng, đây là cơ hội vô cùng tốt để tăng tổng đầu tư toàn xã hội, cần biết tận dụng cơ hội này.

Tin liên quan
Tin khác