Ngân hàng - Bảo hiểm
Xé rào cho vay không còn là chuyện lạ
Hà Tâm - 08/09/2016 09:27
Những cảnh báo mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đưa ra về hoạt động cấp tín dụng vượt giới hạn làm dư luận dấy lên lo ngại về tình trạng ngân hàng tập trung tín dụng cho các khách hàng, dự án lớn ở lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như giao thông, bất động sản…

Xé rào không còn là chuyện lạ

Mấy năm gần đây, nhiều ngân hàng ra sức quảng cáo mảng bán lẻ, song trên thực tế, mảng bán buôn mới thực sự được ngân hàng lưu tâm. Đây là điều dễ hiểu bởi một khách hàng bán buôn lớn có thể đem lại doanh thu, lợi nhuận bằng cả nghìn khách hàng bán lẻ cộng lại. Đây cũng là lý do khiến tình trạng “phá rào” giới hạn cấp tín dụng cho doanh nghiệp lớn vẫn liên tục diễn ra.

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng (tổng hạn mức tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% ). Bên cạnh đó, Thông tư 36/2014/TT-NHNN đã quy định rõ về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, quy định ngân hàng thương mại chỉ được phép tăng trưởng tín dụng phù hợp với quy mô vốn tự có của mình.

Vietcombank là một trong những ngân hàng từng được Chính phủ đồng ý cấp tín dụng vượt hạn mức với khách hàng lớn.

Tuy nhiên, những năm gần đây, hàng loạt tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã được ngân hàng cấp tín dụng vượt hạn mức. Có thể điểm tên các ngân hàng từng được Chính phủ đồng ý cấp tín dụng vượt hạn mức với khách hàng lớn như: Vietcombank, Eximbank… Theo lý giải của giới chuyên gia, sản xuất - kinh doanh phục hồi chậm, còn giao thông và bất động sản phục hồi rõ nhất. Ngoài ra, khi cho vay bất động sản, giao thông, ngân hàng vẫn ít rủi ro nhất vì vẫn nắm được tài sản đảm bảo.

Không chỉ vượt hạn mức với khách hàng lớn, tình trạng cho vay vượt hạn mức với dự án lớn cũng diễn ra khá phổ biến. Theo quy định của các ngân hàng thương mại, để vay vốn thực hiện dự án, doanh nghiệp phải có vốn tự có ít nhất 15-20%. Tuy nhiên, tại rất nhiều dự án bất động sản, giao thông hiện nay, doanh nghiệp chỉ có 10-15% vốn tự có. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp “tay không bắt giặc” vẫn được ngân hàng hồn nhiên rót vốn. Tất nhiên, ngoài việc ngân hàng “nhắm mắt làm ngơ” thì tình trạng cho vay vượt rào một phần do ngân hàng khó xác minh vốn của doanh nghiệp.

“Các ngân hàng thương mại quy định doanh nghiệp phải có 15-20% vốn tự có tùy tính chất từng dự án, tỷ lệ này trước đây là 30%. Thế nhưng, việc xác định đúng tỷ lệ này trên thực tế rất hạn chế”, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, chuyên gia ngân hàng cho hay.

Có tình trạng “tập trung tín dụng”

Theo thông báo của NHNN, 7 tháng đầu năm nay, tín dụng tăng 8,54%, còn cách khá xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18-20% của năm. Dù tín dụng tăng không quá nhanh, song tuần qua, NHNN liên tiếp phát đi những cảnh báo về hoạt động cấp tín dụng. Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng và các cơ quan chức năng thuộc NHNN kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng vượt giới hạn, cấp tín dụng đối với khách hàng có dư nợ lớn.

Cụ thể, tổ chức tín dụng thực hiện mở rộng tín dụng đối với khách hàng, song phải tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, hạn chế cấp tín dụng vượt giới hạn vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. NHNN cũng đặc biệt lưu ý các tổ chức tín dụng về các trường hợp cấp tín dụng trên 15% và 25% vốn tự có, yêu cầu các tổ chức tín dụng tự chịu trách nhiệm về các đề xuất cấp tín dụng vượt giới hạn theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến cấp tín dụng vượt giới hạn. Đồng thời, NHNN cảnh báo rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng BT, BOT giao thông.

Liên tiếp những cảnh báo mới đây của NHNN về hoạt động cấp tín dụng, dù tín dụng chung tăng thấp, khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ, tình trạng “tập trung tín dụng” có dấu hiệu gia tăng.  Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng nhận định, nguyên nhân của việc NHNN đưa ra cảnh báo về hoạt động cấp tín dụng vượt giới hạn có thể xuất phát từ tình trạng một số ngân hàng cho vay tập trung vào những dự án lớn.

Có thể quá sớm để kết luận tình trạng cho vay khách hàng lớn của các ngân hàng đang “có vấn đề”. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, động thái cảnh báo mà NHNN đưa ra vừa qua là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh năng lực của đa số các chủ đầu tư trong lĩnh vực giao thông, bất động sản hiện nay khá “đáng ngờ”.

Ngoài ra, đứng ở góc độ an toàn hệ thống, việc NHNN đứng ra giám sát và đảm bảo hoạt động cho vay tuân thủ các quy định về an toàn vốn là hết sức cần thiết, nhằm tránh nợ xấu bùng nổ giai đoạn sau này, cho dù thanh khoản hiện tại của hệ thống đang khá dồi dào.

Tin liên quan
Tin khác