| |
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) |
Phát biểu về Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) nói:
"Xuống tìm hiểu thực tế đời sống người công nhân tại nhiều khu công nghiệp, tôi thấy mình đã nắm bắt thực tế chưa đầy đủ khi bấm nút thông qua Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Về mặt an sinh xã hội lâu dài, Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 là rất tốt. Nhưng đời sống trước mắt của người công nhân còn quan trọng hơn. Với đồng lương ít ỏi của mình, những người công nhân vội vàng ghé “vô chợ” mua bìa đậu hũ, 1 trái trứng, 1 mớ rau không còn tươi, họ không đủ chi phí để tái tạo sức lao động. Trước thực tế ấy, tôi thấy cần phải cho họ quyền được lựa chọn bảo hiểm 1 lần hay chờ để hưởng lương hưu".
Trước đó, góp ý với việc sửa đổi Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) đặt câu hỏi: Tại sao 1 điều luật mang tính nhân văn như thế, có lợi cho người lao động như thế mà lại có 1 bộ phận người lao động không đồng tình (?). Việc này có trách nhiệm của Quốc hội, của cơ quan tuyên truyền pháp luật, cơ quan quản lý người lao động, cơ quan quản lý bảo hiểm xã hội.
“Qua nghiên cứu tại kỳ họp trước, chúng ta đều thấy rằng, thực hiện Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động có nhiều lợi ích so với hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần. Trong thời gian bảo lưu, người lao động trong thời gian chờ hưu vẫn được đảm bảo quyền lợi như mua bảo hiểm y tế. Ai cũng có tuổi trẻ, tuổi già. Khi già, vấn đề sức khỏe đặt lên hàng đầu. Trong thời gian đó, người lao động được nhà nước chăm lo sức khỏe qua bảo hiểm y tế, khi về già có thể tự lo cuộc sống của mình”.
Nhưng đại biểu Trần Quốc Tuấn cũng phản ánh: Thực tế, hầu hết những người phản đối là lao động các khu công nghiệp là các lao động ở nông thôn lên thành thị, thu thập thấp, cuộc sống bấp bênh. Chúng tôi cho rằng, việc người lao động muốn nhận trợ cấp 1 lần cũng là nguyện vọng chính đáng. Do đó, đề nghị Quốc hội xem xét sửa Điều 60 theo hướng trước mắt cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu sau thời gian 1 năm nghỉ việc có thể nhận bao hiểm xã hội 1 lần.
Trong chương trình làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đã báo cáo Quốc hội vấn đề bức xúc diễn ra ngay trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII khi công nhân của Công ty trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam 100% vốn nước ngoài (Đài Loan), có trụ sở tại quận Bình Tân, TP.HCM và một số doanh nghiệp trên địa bàn một số địa phương như Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, ngừng việc tập thể do không đồng tình với quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2014.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội Trương Thị Mai, sau khi tìm hiểu nội dung vụ việc, trên cơ sở nguyện vọng của một bộ phận người lao động, đa số thành viên Ủy ban tán thành với đề xuất của Chính phủ. Đó là, trước mắt cho phép người lao động nếu có nguyện vọng thì được nhận lại số tiền đã tham gia bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, Ủy ban cũng kiến nghị: Cần xây dựng lộ trình nâng dần điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần phù hợp với tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức và sự phát triển của thị trường lao động, giảm dần số người không có lương hưu khi về già (năm 2014, ngân sách phải chi hơn 3.000 tỷ đồng cho khoảng 1,5 triệu người 80 tuổi trở lên không có lương hưu). Các tổ chức thực hiện chính sách cần tư vấn, giải thích cho người lao động hiểu đầy đủ các chính sách như bảo lưu, cộng dồn, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước nếu không tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp... để người lao động có sự lựa chọn tốt nhất cho quyền lợi của họ.