(baodautu.vn) Sáng nay (9/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) khai mạc phiên họp thứ 17 dưới chủ trì của Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn.
Tại buổi làm việc đầu tiên, Ủy ban TVQH cho ý kiến về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và Ủy ban TVQH năm 2014. “Thông thường nội dung này sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng giám sát, tạo sự chủ động cho các cơ quan thực hiện giám sát, Quốc hội đã quyết định, từ năm 2013 trở đi, Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và Ủy ban TVQH sẽ được Quốc hội thông qua ngay từ kỳ họp đầu năm”, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nhiều cơ quan đề nghị, năm 2014 thực hiện giám sát về nội dung tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản công, chính sách đầu tư công; tính hiệu quả sử dụng vốn của một số ngành, công trình trọng điểm như điện lực, dự án bauxite...
“Ngoài ra cũng có nhiều ý kiến đề xuất, năm 2014 cần phải thực hiện giám sát đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước; tổ chức và hoạt động của hệ thống ngân hàng, quản lý thị trường vàng, xử lý nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp ...”, ông Phúc cho biết.
Theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc, ông Ksor Phước, hiện có không ít địa phương đã chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp ảnh hưởng tới nhiệm vụ phải giữ bằng được 3,8 triệu ha đất trồng lúa, nếu không ngăn chặn tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh lương thực quốc gia. Vì vậy, Quốc hội phải sớm thực hiện giám sát nội dung này.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai lại đề nghị thực hiện giám sát đối với chương trình xóa đói giảm nghèo.
“Liên quan đến xóa đói giảm nghèo, hiện chúng ta có 30 chính sách do 8 bộ ngành thực hiện. Sau hàng chục năm thực hiện, chúng ta đã đạt được những hiệu quả nhất định trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Vì vậy cần phải tổ chức giám sát tối cao nội dung này để chấn chỉnh những nội dung chưa làm được nhằm thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững”, bà Mai kiến nghị.
Trước thực tế thủy điện tích nước mùa hạn, xả nước mùa lũ đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân, bà Mai và nhiều thành viên Ủy ban TVQH đề xuất phải thực hiện giám sát ngay hệ thống các nhà máy thủy điện.
“Ngoài ra, tôi đề nghị cần phải thực hiện giám sát ngay đối với dự án mà cả xã hội rất quan tâm là Dự án nhà máy bauxite Nhân Cơ và Tân Rai”, bà Mai nói.
“Tôi mới đi công tác tại các tỉnh miền Trung, đi đâu cũng được nghe lãnh đạo tỉnh phàn ánh về tình trạng các nhà máy thủy điện gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và đời sống của người dân vì vậy cần phải thực hiện giám sát ngay vấn đề này”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng cho biết.
Vẫn theo ông Dũng, nếu được Ủy ban TVQH đồng ý thì trước khi khai mạc Kỳ họp Quốc hội thứ 5, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội sẽ tổ chức điều trần với các cơ quan hữu quan liên quan đến quy hoạch, xây dựng, vận hành hệ thống thủy điện.
Đồng tình với quan điểm giám sát với hệ thống năng lượng nói chung, thủy điện nói riêng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng, Dự án bauxite Nhân Cơ và Tân Rai rất nhạy cảm, nhưng 2 dự án này lại ảnh hưởng rất lớn tới tình hình kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng tại nhiều địa phương, đặc biệt là ở các tỉnh Tây Nguyên. Vì vậy, nếu chưa thực hiện giám sát tối cao được thì cũng nên giao Ủy ban TVQH thực hiện giám sát với 2 dự án bauxite này.
Mạnh Bôn