Doanh nghiệp
Xem xét giảm thuế VAT: Không nên ngập ngừng 6 tháng hay bó gọn vài ngành hàng
Khánh Linh - 31/05/2023 10:37
Kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024 sẽ giúp cho doanh nghiệp xây dựng các phương án kinh doanh ổn định là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội.

Kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024 sẽ giúp cho chính sách này mang tính bền vững, lâu dài, giúp cho doanh nghiệp xây dựng các phương án kinh doanh ổn định, đại biểu Tô Ái Vang, đoàn Sóc Trăng phát biểu tại Hội trường, sáng 31/5.

Đại biểu Tô Ái Vang, đoàn Sóc Trăng phát biểu tại Hội trường sáng 31/5

Không dừng lại ở thời gian áp dụng, đại biểu đề nghị xem xét mức giảm, từ 3-4%, thay vì chỉ giảm 2% theo Tờ trình của Chính phủ. Theo đại biểu, mức giảm 2% chưa phải là mức tốt cho nền kinh tế.

"Trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh bằng cách giảm gánh thuế và giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư, chúng ta cũng nên xem xét giảm thuế giá trị gia tăng ở mức cao hơn để khuyến khích tiêu dùng, tăng sức mua.Từ đó, doanh nghiệp có thể tiêu thụ hàng hóa nhiều hơn, giải phóng được lượng hàng tồn kho sống, phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần vực dậy doanh nghiệp, góp phần cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương và trong cả nước", đại biểu Tô Ái Vang phân tích và đề nghị Quốc hội xem xét áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng kéo dài đến hết năm 2024.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM tiếp tục đồng thuận với kiến nghị này, Thậm chí, chia sẻ bên lề Hội trường sáng nay, ông Ngân nhắc tới việc cân nhắc mức giảm 5% và kéo dài đến 2024.

“Thông thường, chúng ta hay tính toán giảm thuế là giảm thu ngân sách. Nhưng thực tế, năm 2022, giảm thuế, nhưng thu ngân sách tăng”, đại biểu Ngân nhấn mạnh tới khía cạnh nuôi dưỡng nguồn thu.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Hà Nội cũng chia sẻ quan điểm này, khi đề xuất giảm 2% thuế GTGT với tất cả mặt hàng. 

"Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc thực hiện các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp. Dù vậy, liều lượng của các chính sách kể trên, còn chưa đáp ứng được yêu cầu, và tiến độ còn chậm trễ. Tôi đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần thực thi các biện pháp tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ hơn", ông Lộc đề xuất.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Hà Nội

Trên cơ sở lạm phát tại Việt Nam đang giảm nhanh (CPI trong 5 tháng đầu năm chỉ tăng 0,4% so với thời điểm cuối năm ngoái), cán cân thương mại đang thặng dư lớn (5 tháng đầu năm chúng ta xuất siêu 9,8 tỷ USD), còn nợ công mới ở mức 43,1% GDP, thấp hơn nhiều so với trần nợ công 60% GDP do Quốc hội quy định, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, dư địa của các chính sách tài khoá – tiền tệ, đặc biệt là chính sách tài khoá của chúng ta còn lớn.

"Vì vậy, những quyết sách cụ thể, ví dụ như, việc giảm thuế VAT 2% trong thời gian tới, theo tôi, chúng ta nên mở rộng ra tất cả các ngành hàng, và kéo dài ít nhất 1 năm, không nên chỉ bó gọn trong vài ngành hàng và chỉ ngập ngừng trong thời gian 6 tháng", ông Lộc nhấn mạnh trong chia sẻ bên lề cuộc thảo luận sáng nay, 31/5.

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại tổ trong tuần trước, nhiều đại biểu Quốc hội cũng thống nhất với sự cần thiết và thống nhất cho phép thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng VAT, nhằm kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế và hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh, cũng như người dân sau đại dịch.

Khá nhiều ý kiến đề nghị cần kéo dài thời gian thực hiện giảm thuế VAT đến hết năm 2024 để chính sách phát huy được hiệu quả và đảm bảo sự ổn định của chính sách, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Có ý kiến đề nghị thực hiện chính sách giảm thuế VAT có thể nghiên cứu, phân tích để chọn lựa một số lĩnh vực ưu tiên, giúp kích thích tăng trưởng cao, như sản phẩm tiêu dùng, du lịch, khách sạn, nhà hàng,...  

Cũng có ý kiến cho rằng, chính sách nên thiết kế theo hướng mở, tùy theo tình hình để Chính phủ có thể đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục kéo dài thực hiện

Trước đó, trong phiên làm việc chiều 24/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Chính phủ, trình bày tờ trình về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Theo báo cáo của Chính phủ, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí và lệ phí nói chung và giảm thuế giá trị gia tăng nói riêng được khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, người dân hưởng ứng, đánh giá cao, qua đó góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế trong thời gian qua.

Do vậy, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% quy định tại điểm a khoản 1.1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Mức giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Tin liên quan
Tin khác