Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi quy định hiện hành theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam |
Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, hiện nay, theo quy định, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.
Trong thời gian tới, nằm trong lộ trình tổng thể hội nhập quốc tế của Việt Nam, căn cứ trên các thoả thuận, cam kết mở cửa tại các hiệp định thương mại song phương và đa phương đối với từng ngành, lĩnh vực kinh tế cụ thể; tiếp tục tạo môi trường chính sách thuận lợi, thông thoáng, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, kinh doanh lâu dài, thành công tại Việt Nam; đồng thời triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, đổi mới quản trị và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng, Chính phủ sẽ xem xét quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp nói chung và ngân hàng thương mại nói riêng.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi quy định hiện hành theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Trước đó, báo cáo Chính phủ về hoạt động của Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, cùng với đà tăng trưởng, lạm phát tiếp tục được kiểm soát và điều hành theo mục tiêu; các hoạt động về đầu tư, thu hút đầu tư cũng phát ra những tín hiệu tích cực, nhất là trong thu hút đầu tư nước ngoài; xuất khẩu được phục hồi và duy trì đà tăng trưởng;… Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; giữ vững sự ổn định của thị trường ngoại hối; dành ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp và nông thôn, bảo đảm tín dụng cho nông nghiệp phát triển ổn định và bền vững;…
Về Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế đến năm 2020, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đồng tình với các nội dung trong dự thảo do Bộ Tài chính thực hiện; đồng thời khẳng định sẽ Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các Bộ, ngành hữu quan trong triển khai thực hiện chủ tương phát hành trái phiếu này.
Liên quan đến Đề án này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính đã xin ý kiến phát hành Trái phiếu ra thị trường quốc tế giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu đầu tiên là huy động vốn cho nền kinh tế để tái cơ cấu nợ. Thay các khoản vay với thời gian ngắn lãi cao bằng khoản vay có lãi suất hợp lý với thời gian dài hơn, trên cơ sở hệ số tín nhiệm của Việt Nam cao hơn trước. Thứ hai, sẽ huy động vốn hợp lý, thời gian dài cho các dự án trọng điểm quốc gia, chuẩn bị cho mục tiêu thay dần các nguồn vay ưu đãi ODA, vì khi ta bước sang nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp, thì phải tính đến thay nguồn vốn ODA bằng các nguồn vốn phù hợp hơn.
Vay nợ phải dựa trên nguyên tắc không vượt qua trần nợ công (65% GDP), đồng thời đảm bảo hiệu quả kinh tế, không bị ràng buộc các điều kiện sử dụng, đồng thời đảm bảo nguyên tắc an toàn an ninh kinh tế, quản lý rủi ro các dự án trọng điểm.
Trước mắt, Bộ Tài chính trình chủ trương, trên cơ sở đó, xây dựng đề án, lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành , địa phương…, sau đó, sẽ phải trình Quốc hội thông qua mới có căn cứ pháp lý để thực hiện.