Ông Phạm Thế Vinh, Ủy viên HĐQT VIMICO và một số cổ đông sở hữu hơn 40,25% vốn điều lệ của VIMICO vừa từ chối ký biên bản bàn giao Công ty TNHH một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên (TMC) sang VIMICO (tên mới sau cổ phần hóa của TMC).
Lý do được ông Vinh và các cổ đông đưa ra là, nếu ký vào biên bản bàn giao này, họ phải chịu trách nhiệm pháp lý về khoản tiền hàng chục triệu USD đối với Ngân hàng Eximbank Thái Lan mà TMC đã ký bảo lãnh cho Công ty Liên doanh công nghiệp Kẽm Việt Thái vay. Câu chuyện bất hợp lý ở chỗ, trong bản cáo bạch mà TMC công bố thông tin bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), vụ việc này đã không hề được nhắc đến.
Theo giải trình của Tổng công ty Khoáng sản - VINACOMIN (Công ty mẹ của TMC), TMC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/7/2014. Trước đó, năm 1995, TMC hợp tác với Công ty Teparak International (Thái Lan) để thành lập Công ty Liên doanh công nghiệp Kẽm Việt Thái tại Việt Nam, nhằm thực hiện Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất bột oxit kẽm.
Để thực hiện dự án trên, năm 2001, dưới sự bảo lãnh của TMC, Công ty Liên doanh công nghiệp Kẽm Việt Thái đã ký Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Eximbank Thái Lan và ngân hàng này đã giải ngân cho Công ty vay 9,03 triệu USD.
Đến nay, ngoài số nợ gốc chưa trả, Công ty Liên doanh công nghiệp Kẽm Việt Thái còn phải trả tiền lãi trong hạn và lãi quá hạn tính đến ngày 23/5/2014 (thời điểm Viện Trọng tài Thái Lan ra phán quyết về vụ việc) là 13.785.678 USD và các chi phí phải trả trọng tài.
Tuy nhiên, bản cáo bạch của TMC (do Khoáng sản - VINACOMIN, TMC, Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam lập và chịu trách nhiệm) không đề cập thông tin này. Chỉ đến khi thực hiện biên bản bàn giao TMC sang VIMICO, mọi việc mới được đưa ra. Toàn bộ khoản nợ của Công ty Liên doanh công nghiệp Kẽm Việt Thái do TMC bảo lãnh “bất ngờ”ø được đẩy cho các cổ đông của VIMICO.
Ông Phạm Thế Vinh cho biết, khoản nợ trên cùng nghĩa vụ pháp lý của TMC với Eximbank Thái Lan khiến ông và nhiều cổ đông hoàn toàn bất ngờ, vì bản công bố thông tin trước khi IPO của TMC hoàn toàn không đề cập vấn đề này. Các cổ đông của VIMICO đã có đơn kiến nghị gửi Khoáng sản - VINACOMIN (đơn vị chỉ đạo việc cổ phần hóa TMC) từ nhiều tháng nay nhưng đơn vị này chưa trả lời.
Theo ông Vinh, quyết tâm của ông và các cổ đông trong việc vực dậy VIMICO (một doanh nghiệp nhà nước có truyền thống, nhưng có một thời gian dài làm ăn sa sút) là điều không có gì phải nghi ngờ, khi những đồng tiền đầu tư là “tiền tươi thóc thật” và chiếm hơn 40% cổ phần của VIMICO. Sau khi trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp, Hội đồng quản trị mới của VIMICO đã kiện toàn hệ thống quản trị doanh nghiệp, tìm kiếm các đơn hàng mới.
Tuy nhiên, việc TMC bàn giao trách nhiệm pháp lý không có trong cáo bạch cho VIMICO đã phá hỏng tất cả. Nó không chỉ khiến cổ phần của VIMICO mất giá, việc chuyển nhượng gặp nhiều khó khăn, đặt cổ đông của VIMICO trước nguy cơ tiền mất, tật mang…, mà nghiêm trọng hơn, đã khiến giới đầu tư nghi ngờ vào tính minh bạch trong việc công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước trước khi tiến hành cổ phần hóa.
“Danh sách 289 doanh nghiệp nhà nước phải hoàn thành việc cổ phần hóa trong năm 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Quyết tâm này của Chính phủ có thể bị phá hỏng bởi sự không rõ ràng, minh bạch của những doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị tiến hành IPO”, ông Vinh nói.