Một phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. |
Đây là một trong những nội dung dự kiến sẽ được đặt lên bàn nghị sự của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp thứ 18, bắt đầu từ 13/12.
Theo chương trình dự kiến, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân; cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); xem xét, quyết định việc lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo kế hoạch đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành thì thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được dự kiến trong khoảng từ tháng 1 – 2/2023.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu lấy ý kiến Nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung lớn của dự án Luật, các vấn đề trong quá trình soạn thảo, Quốc hội thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau; các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người dân về đất đai được dư luận quan tâm. Có văn bản về các vấn đề lớn xin ý kiến được trình bày dễ hiểu, kèm theo lý lẽ, lập luận; đối với các vấn đề còn có ý kiến khác nhau có thể nêu 2 phương án để xin ý kiến, nêu rõ ưu điểm, hạn chế của từng phương án.
Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Ý kiến đóng góp của Nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác; phải được nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Sau kỳ họp thứ tư của Quốc hội, hiện nay cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đang phối hợp chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.
Bên cạnh công tác lập pháp, tại phiên họp thứ 18, dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; Xem xét việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; Xem xét, quyết định việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nội dung dự kiến của phiên họp còn có xem xét, thông qua Nghị quyết ban hành Quy chế về việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội; Xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đánh giá kết quả thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2022; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến (chỉ đạo, điều hòa) về chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và Văn phòng Quốc hội.
Cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 11/2022 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 10/2022).
Chương trình phiên họp cũng dự kiến sẽ dành 1 ngày (21/12) dự phòng để cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV; cho ý kiến về giải pháp xử lý, bất cập tại một số trạm thu phí, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT; Cho ý kiến quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch và ột số nội dung khác cần trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2.