Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó có Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là nội dung được đặt lên bàn nghị sự của phiên họp.
Nội dung phiên họp còn có xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và tháng 11/2023.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét việc phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; việc giao kế hoạch vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Nội dung được dự kiến còn có việc phân bổ dự toán ngân sách trung ương năm 2023 kinh phí xử lý bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn; việc bổ sung kinh phí chi sự nghiệp khoa học, công nghệ và sự nghiệp bảo vệ môi trường của ngân sách trung ương năm 2023 cho các Bộ, cơ quan trung ương; việc điều chỉnh vốn vay lại năm 2023 cho các Bộ, cơ quan trung ương; việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia đã xuất cấp để cứu trợ, viện trợ từ ngày 1/6/2022 đến ngày 31/5/2023.
Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (gồm các dự án: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)...).
Về Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), theo Chính phủ, với tình hình phát triển kinh tế, xã hội hiện nay và xu hướng phát triển thời gian tới, chính sách thuế VAT hiện hành đã phát sinh một số hạn chế nhất định cần tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện.
Như, cần thu hẹp đối tượng không chịu thuế VAT, sửa đổi mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế VAT cho phù hợp với thực tế, thu hẹp đối tượng chịu thuế suất 5%, điều chỉnh tăng mức thuế suất phổ thông (10%)…
Chính phủ cũng cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi quy định về giá tính thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản cho minh bạch, thống nhất cách hiểu giữa người nộp thuế và cơ quan thuế…
Tờ trình gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được Bộ Tư pháp thẩm định và được Chính phủ xem xét, thông qua tại Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 28/7/2023 với 5 nhóm chính sách: (1) Hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; (2) Hoàn thiện các quy định về giá tính thuế giá trị gia tăng; (3) Hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế giá trị gia tăng; (4) Hoàn thiện các quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào; (5) Hoàn thiện các quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng.
Về thời gian, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự án Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi vào Kỳ họp thứ bày (tháng 5/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).