Thời sự
Xem xét thành lập Cảnh sát du lịch
Hàn Tín - 09/09/2013 10:43
Trước hành vi đeo bám, ép giá, lừa đảo khách du lịch ngày càng gia tăng, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa ký ban hành Chỉ thị 18/CT-TTg yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất xây dựng Đề án thành lập lực lượng Cảnh sát du lịch. >>> Hà Nội lập bộ phận hỗ trợ du khách bị “chặt chém” >>> Khai trương Trung tâm Thông tin du khách Hội An

Trước khi thành lập Cảnh sát du lịch, Bộ Công an phải tập trung chỉ đạo các lực lượng có liên quan tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch. Cụ thể, Bộ Công an phải xây dựng kế hoạch hướng dẫn lực lượng công an triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu, điểm du lịch.

Hơn 70% khách quốc tế không trở lại Việt Nam vì sợ nạn đeo bám

Trước mắt, Bộ Công an phải chỉ đạo lực lượng công an chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm đối tượng có hành vi xâm hại đến tính mạng, tài sản của khách du lịch; phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp tổ chức các phiên tòa lưu động đối với những vụ án điểm nhằm giáo dục ý thức pháp luật, răn đe tội phạm và phát động phong trào quần chúng phòng, chống tội phạm xâm hại đến tính mạng, tài sản của khách du lịch.

Tăng cường triển khai lực lượng hình sự đặc nhiệm tuần tra, kiểm soát tại các tuyến đường trung tâm, khu, điểm du lịch và bố trí tăng cường lực lượng cảnh sát tại các khu, điểm du lịch tập trung đông khách du lịch, có nguy cơ xảy ra mất an toàn đối với du khách…

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, tính từ năm 1995 đến 2012, lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đều tăng hơn 5 lần. Trong đó, khách du lịch quốc tế tăng từ 1,35 triệu lượt lên gần 7 triệu lượt; khách du lịch nội địa tăng từ gần 7 triệu lượt lên gần 33 triệu lượt.

Tổng thu từ khách du lịch năm 2012 tăng gần 20 lần so với năm 2005, đạt 160 nghìn tỷ đồng; đóng góp của ngành du lịch vào GDP từ 3% năm 2005 lên khoảng 6% vào năm 2012. Du lịch được đánh giá là một trong những điểm sáng về kinh tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của lượng khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng giảm dần. Trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3,5 triệu lượt, chỉ tăng 2,6% so cùng kỳ năm 2012 và thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2012 và năm 2011 (tăng tương ứng gần 14% và hơn 18%). Trong 8 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 4,875 triệu lượt người, chỉ tăng chưa đến 8% so với cùng kỳ năm trước.

Theo nhận định của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, một trong những nguyên nhân của sự giảm sút trên là do hiện tượng lừa đảo, gian lận, ép giá, chèo kéo, đeo bám, xâm hại tài sản, tính mạng khách du lịch chưa được kiểm soát và có chiều hướng gia tăng, nhất là tại các địa bàn du lịch trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, Sầm Sơn, Hạ Long, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt...

Những hiện tượng tiêu cực này, theo ông Nhân, đã và đang tác động xấu đến hình ảnh du lịch của địa phương và du lịch của cả nước, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Hành vi đeo bám, ép giá, lừa đảo khách du lịch gia tăng, theo ông Nhân là do công tác quản lý môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch còn nhiều bất cập.

Cụ thể, ở Trung ương, sự phối hợp giữa các bộ ngành còn yếu; thiếu lực lượng chuyên trách bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội liên quan đến khách du lịch; thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong việc hạn chế các vụ việc xâm hại tính mạng, tài sản của khách du lịch có yếu tố nước ngoài; thiếu quy định, chế tài xử phạt, chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe đối với hành vi đeo bám, ép giá, lừa đảo khách du lịch…

Còn ở địa phương, công tác quản lý môi trường du lịch bộc lộ nhiều yếu kém, chưa thể hiện đúng mức vai trò và trách nhiệm trực tiếp của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm môi trường, văn minh du lịch, an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các khu, điểm du lịch.

Để khắc phục tình trạng trên, Chỉ thị 18/CT-TTg yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành, chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chỉ đạo thực hiện quyết liệt và áp dụng các biện pháp cụ thể, đồng bộ, hiệu quả để tạo ra chuyển biến cơ bản trong công tác quản lý môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, coi đây vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là công việc thường xuyên, lâu dài nhằm xây dựng Việt Nam trở thành điểm đến du lịch an toàn, thân thiện; tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc thực thi các quy định của pháp luật về môi trường du lịch, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

Chỉ thị 18/CT-TTg giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất bổ sung hành vi, chế tài xử lý các hành vi xâm hại môi trường và an toàn của khách du lịch theo hướng tăng mức xử phạt; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch tại vào thời điểm lễ hội, ngày lễ tết, tháng cao điểm, tập trung tại nhà ga, bến cảng, khu, điểm du lịch tập trung đông khách du lịch…

Một trong những giải pháp trước mắt để hạn chế tình trạng tiêu cực trong du lịch, theo Chỉ thị 18/CT-TTg, tại các địa bàn thu hút trên 1 triệu lượt du khách/năm phải thành lập Trung tâm hỗ trợ du khách, thiết lập đường dây nóng, xây dựng cơ chế tiếp nhận và xử lý phản hồi của du khách; lắp máy ghi hình cố định tại một số địa điểm du lịch thường xảy ra tình trạng cướp giật, bán hàng rong, ăn xin, tranh giành khách, ép mua, ép giá, đeo bám gây phiền hà cho khách du lịch để kịp thời có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…

Tin liên quan
Tin khác