Thời sự
Xếp hạng trường đại học: Ít người chịu ngồi chiếu dưới
Hải Hà - 20/11/2015 08:57
Các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đang kỳ vọng quá trình thực hiện phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng các cơ sở GDĐH theo tinh thần Nghị định 73/2015/NĐ-CP được tiến hành minh bạch, công khai và công bằng.

Băn khoăn khi “phân tầng”

Theo quy định từ Nghị định, phân tầng là sự sắp xếp thành các nhóm theo mục tiêu, định hướng đào tạo dựa trên các tiêu chuẩn phù hợp. Nghị định 73/2015/NĐ-CP hướng tới phân các cơ sở GDĐH thành 3 tầng gồm cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng và định hướng thực hành. 

Với quy định này, các trường sẽ nằm trong từng tầng. Đây là căn cứ để mỗi trường xác định mục tiêu đào tạo trung và dài hạn, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học phù hợp với định hướng.

.

Việc phân tầng sẽ có tác động tới quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH phù hợp với yêu cầu về nguồn nhân lực trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở xây dựng cơ chế chính sách và thực hiện quản lý nhà nước đối với hệ thống GDĐH.

Mặc dù việc phân tầng này có ý nghĩa với toàn hệ thống giáo dục, tuy nhiên, TS. Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng Giáo dục đại học (Hiệp hội các trường ĐH&CĐ ngoài công lập Việt Nam) tỏ ra băn khoăn khi quy định phân tầng được thực hiện theo chu kỳ 10 năm.

Ông Khuyến cho biết, theo thông lệ quốc tế, việc phân tầng các trường được thực hiện từ khi thành lập dựa trên sứ mệnh ra đời của trường và không thay đổi trong cả vòng đời hoạt động của mỗi trường.

“Nói đến tầng, người ta sẽ nghĩ có sự so sánh cao/thấp. Đại học chia ra 3 tầng, phải chăng tầng trên cùng là thượng lưu và dưới là hạ lưu? Vậy thì trường nào sẽ chịu chui vào tầng hạ lưu đây”, PGS-TS Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa đặt câu hỏi.

Một đại diện của trường đại học khác dẫn chứng Nghị định quy định đại học nghiên cứu phải không dưới 30% giảng viên, nghiên cứu viên là tiến sĩ; trong khi tỷ lệ tương ứng đối với đại học ứng dụng là 15%; còn đại học thực hành không có yêu cầu về chỉ tiêu này. “Rõ ràng, nếu nhìn vào đó người ta sẽ thấy 3 tầng cao, trung bình, thấp” vị đại diện này cho biết.

Xếp hạng hướng tới lợi ích cho người học

Theo Nghị định 73/2015/NĐ-CP, xếp hạng là sắp xếp các cơ sở GDĐH theo thứ tự  từ cao xuống thấp về chất lượng được tính bằng điểm theo khung xếp hạng trong mỗi tầng của hệ thống GDĐH. Sau khi đã được đưa vào “tầng”, các trường sẽ tiếp tục được xếp vào 3 hạng theo tỷ lệ 30% hạng 1, 40% hạng 2, phần còn lại là các trường xếp hạng 3.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thứ hạng của các cơ sở GDĐH sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước có cơ chế đặt hàng, đầu tư phù hợp; tạo sự cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học trong toàn hệ thống.

Cùng với kỳ vọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Khuyến còn cho rằng, xếp hạng sẽ tăng cường trách nhiệm giải trình của các trường, cung cấp thông tin tham khảo cho người học để họ có quyết định phù hợp khi lựa chọn trường. Được biết, Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học. Để thực hiện Nghị định, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, trong năm 2015 sẽ thành lập các tổ chức kiểm định công lập trước, từ 2016 trở đi sẽ triển khai các tổ chức ngoài công lập. 

Trước thực tế này, PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đề nghị, chỉ nên xem xếp hạng chỉ là một công cụ để tạo thêm động lực cạnh tranh giữa các trường, cung cấp cho xã hội một kênh thông tin tham khảo, không nên coi đó là công cụ quản lý của nhà nước.

Không bình luận trực tiếp về những nội dung xếp hạng, phân tầng được quy định trong Nghị định, nhưng ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết, Học viện Ngoại giao phải thực hiện cả 3 chức năng: nghiên cứu (có hai viện); bồi dưỡng (có trung tâm bỗi dưỡng kiến thức và kỹ năng đối ngoại) và đào tạo (có 5 chuyên ngành đào tạo). Theo ông Quý, nhiệm vụ của Học viện Ngoại giao đã được quy định rõ trong Quyết định 75 của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, có thể thấy rằng, nếu phân tầng theo tinh thần của Nghị định thì khó có thể xếp Học viện Ngoại giao vào nhóm nào.

“Về trung hạn và dài hạn thì Học viện Ngoại giao vẫn phải đi 3 chân. Nghiên cứu thì ngoài phục vụ tốt hơn công tác nghiên cứu quan hệ quốc tế và kiến nghị chính sách đối ngoại, để trở thành cơ quan nghiên cứu có tiếng ở khu vực Đông Nam Á. Ở khía cạnh đào tạo, Học viện phải được xếp hạng và công nhận lẫn nhau với các trường thuộc top trong khu vực. Tương tự ở khía cạnh bồi dưỡng, Học viện xác định sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu công tác đối ngoại”, ông Quý nói.

Tương tự, ông Sơn cũng cho biết, chưa bàn tới hiệu quả của Nghị định, vì hiện nay việc xếp hạng, phân tầng vẫn chưa được thực hiện, nhưng dù có phân tầng, xếp hạng hay không, Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn phải xác định rõ mục tiêu chiến lược, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển cho mình theo định hướng nghiên cứu.

Tin liên quan
Tin khác