Điểm nóng
Xét xử “đại án lịch sử” Vạn Thịnh Phát: Vì sao lần đầu tiên đề nghị tử hình nữ doanh nhân?
Ngô Nguyên - 05/04/2024 12:15
Trước ý kiến luật sư bào chữa cho Trương Mỹ Lan không đồng tình tội “tham ô tài sản” và “lần đầu tiên trong lịch sử đề nghị tử hình một nữ doanh nhân”, đại diện Viện Kiểm sát đáp lại: “Luật sư không biết rằng, chưa bao giờ trong lịch sử có một nữ doanh nhân sử dụng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt số tiền lớn đến mức không có từ nào để diễn tả”.
Viện Kiểm sát giữ nguyên đề nghị mức án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan

Trương Mỹ Lan không chức, nhưng có quyền

Phiên đối đáp giữa Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa và luật sư vô cùng “nóng bỏng”, đặc biệt liên quan tội “tham ô tài sản” của bị cáo Trương Mỹ Lan. Chính với tội danh này, bị cáo bị đề nghị mức án tử hình.

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan đã rất “lão luyện” khi cho rằng, tội danh “tham ô tài sản” với thân chủ là không chính xác. Cụ thể, theo Điều 353, Bộ luật Hình sự, chỉ người có chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý mới kết vào tội “tham ô tài sản”, trong khi Trương Mỹ Lan hoàn toàn không giữ chức vụ gì trong Ngân hàng SCB, nên không thể bị quy kết tội này.

Viện Kiểm sát đối đáp sắc bén rằng, luật sư tách bị cáo ra khỏi hệ thống SCB và tiếp cận theo góc chức vụ quyền hạn. Còn Viện Kiểm sát tiếp cận theo hướng rộng hơn, xem xét toàn bộ cơ cấu bộ máy SCB.

Với Điều 353, Bộ luật Hình sự, quy định "người nào có chức vụ, quyền hạn" tức tách 2 vế, 2 chủ thể, chứ không phải có "chức vụ và quyền hạn", tức chỉ một chủ thể là cán bộ công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ có quyền hạn.

LỜI SAU CÙNG CỦA BỊ CÁO TRƯƠNG MỸ LAN

Bị cáo tin tưởng, đây là phiên tòa khách quan, công bằng. Bị cáo luôn nghĩ đến chồng, cháu bị cáo đang bị tạm giam, gia đình bị cáo suốt thời gian qua phải lâm vào bế tắc. Bị cáo rất hối hận khi tham gia lĩnh vực ngân hàng mới dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay.

Bị cáo hối hận khi tin vào sự vận động của Ngân hàng Nhà nước để tham gia tái cơ cấu 3 ngân hàng yếu kém, vì sự thiếu hiểu biết pháp luật mà bị cáo đã gặp hậu quả như hôm nay. Bị cáo luôn nhận thức mình là đại diện cổ đông lớn chi phối đối với hệ thống, HĐQT của SCB bị cáo luôn thừa nhận điều này, bị cáo luôn nhìn nhận trách nhiệm của mình với SCB. Bị cáo xin xem xét bị cáo không phải là người gây ra hậu quả của SCB như ngày hôm nay, không thể quy chụp một mình bị cáo phải chịu trách nhiệm trong việc tái cơ cấu SCB không thành công.

Bị cáo, khi tái cơ cấu, hoàn toàn không có sự hỗ trợ nào từ Ngân hàng Nhà nước, bị cáo với tư cách là cổ đông lớn đã lèo lái SCB thành một ngân hàng lớn chỉ sau 4 ngân hàng của nhà nước. Bị cáo đã dốc hết tiền bạc, tâm sức cho SCB, việc tái cơ cấu SCB không thành công không phải là do bị cáo làm dở. Bị cáo không có cơ hội thực hiện lời hứa của mình trước Chính phủ, Nhà nước để vực dậy SCB. Bị cáo luôn cố gắng dùng toàn bộ tài sản còn lại để khắc phục hậu quả cho vụ án.

Theo Viện Kiểm sát, bị cáo Lan không có chức trong SCB, nhưng lại có quyền ở SCB.

Hồ sơ vụ án và kết quả thẩm tra tại tòa thể hiện, bà Lan đã thâu tóm, nhờ người đứng tên sở hữu hơn 91,8% cổ phần SCB, đã vi phạm quy định của Luật Các tổ chức tín dụng là cá nhân không sở hữu quá 5% cổ phần ngân hàng để tránh tình trạng thâu tóm ngân hàng.

Bà Lan nắm quyền sở hữu cổ phần gần như tuyệt đối, tham gia Đại hội đồng cổ đông - cơ quan quyết định cao nhất, sử dụng quyền lực để bầu ra HĐQT, Ban Kiểm soát, đưa người của mình vào quản lý, biến SCB thành công cụ huy động tiền rồi chiếm đoạt.

Bất cứ khi nào cần tiền sử dụng, bị cáo chỉ cần thông báo số tiền cần sử dụng và yêu cầu nhân viên SCB, nhân viên tại Vạn Thịnh Phát thực hiện các thủ đoạn lập hồ sơ vay vốn khống để hợp thức việc rút tiền. Nếu không có chỉ đạo của bị cáo, thì SCB không thể tự lập hồ sơ và giải ngân được.

Đối với phần bào chữa của một luật sư bảo vệ Trương Mỹ Lan nói rằng, lần đầu tiên trong lịch sử thấy đề nghị tử hình một nữ doanh nhân, đại diện Viện Kiểm sát đáp trả sắc lẹm: “Luật sư không biết rằng, chưa bao giờ trong lịch sử có một nữ doanh nhân sử dụng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt số tiền lớn đến mức không có từ nào để diễn tả”.

Đỗ Thị Nhàn không có ý trả lại 5,2 triệu USD

Tại nhiều phiên tòa và ở phiên mới nhất, “quan thanh tra” Đỗ Thị Nhàn tự bào chữa rằng, Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) chủ động đến đưa tiền, bị cáo không có ý định nhận tiền và đã nhiều lần đề nghị trả lại tiền cho Văn.

Đối đáp, Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo vẫn quanh co chối tội, bởi căn cứ vào lời khai của Văn và lái xe cho Văn, có thể xác định, bị cáo Nhàn tiếp nhận việc đưa tiền của Văn, diễn ra tới 4 lần.

Trong suốt quá trình thanh tra, bắt đầu từ thời điểm sau khi gặp gỡ Trương Mỹ Lan lần thứ hai vào tháng 3/2018, đến khi ban hành kết luận thanh tra vào tháng 12/2018, sau mỗi lần đưa tiền đến nhà Nhàn, Văn đều thông báo ngay cho Nhàn biết là tiền của Trương Mỹ Lan cảm ơn vì đã hỗ trợ SCB. Do vậy, không có việc bị cáo có ý định trả lại tiền.

Mặt khác, bà Nhàn đã cung cấp mật khẩu khóa nhà để bị cáo Văn tự động đưa tiền vào nhà, tức là bị cáo ngầm đồng ý nhận tiền từ bị cáo Văn. Nếu bị cáo không có ý định nhận tiền, thì đã không cung cấp mật khẩu và kiên quyết trả lại tiền ngay từ lần nhận đầu tiên tại nơi làm việc của bị cáo.

Hơn thế nữa, nếu không đồng ý, ngay từ lần nhận đầu tiên, nếu Văn không nhận lại thì bị cáo có thể cầm số tiền này lên báo cáo cấp trên của bị cáo và tố giác hành vi đưa tiền của bị cáo Văn.

Trong khi đó, sau khi nhận, bị cáo Nhàn còn chia số tiền ra gửi cất giữ tại nhà người thân, họ hàng, phù hợp với địa điểm cơ quan điều tra đã thu giữ. Hành vi trên của bị cáo cũng thể hiện thủ đoạn tinh vi của bị cáo, ở một chừng mực nào đó.

Vì vậy, trước thái độ quanh co của bị cáo Nhàn, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng Xét xử xem xét tình tiết thái độ không thành khẩn của bị cáo.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn bị đề nghị xem xét thêm tình tiết thái độ không thành khẩn

22/86 bị cáo được đề nghị giảm án

Kết thúc phần tranh luận “nảy lửa”, Viện Kiểm sát ghi nhận, xuyên suốt quá trình xét xử, một số bị cáo đã ăn năn, hối cải; tích cực, nộp thêm tiền khắc phục hậu quả vụ án với tổng tiền khắc phục phát sinh tại tòa là hơn 73 tỷ đồng. Do đó, Viện Kiểm sát thay đổi đề nghị mức hình phạt đối với 22/86 bị cáo so với bản luận tội đã công bố trước đó.

Tuy nhiên, bà Trương Mỹ Lan không có trong danh sách này, tức là Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm đề nghị mức án tử hình với bà Lan.

Thực tế bị cáo Trương Mỹ Lan không hề có nhiều tài sản như bị cáo trình bày; bị cáo không phải là người có nguồn lực tài chính dồi dào để bảo trợ cho SCB. Trước khi hợp nhất, bị cáo Trương Mỹ Lan còn rất nhiều khoản nợ tại SCB, Ngân hàng Tín Nghĩa.

Đến khi hợp nhất, SCB xác định, đây là những khoản nợ khó thu, tài sản đảm bảo có giá trị thấp. Bị cáo không hề có tiềm lực tài chính, nhưng lại muốn sử dụng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền của dân phục vụ cho nhiều mục đích, trong đó có kinh doanh bất động sản.

Bị cáo từ một tiểu thương nhỏ, bằng việc nắm quyền điều hành SCB đã chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn để mua rất nhiều bất động sản. Trong số các tài sản này, chỉ có khoảng 60 tài sản mua trước năm 2012, do đó, các tài sản mua được sau năm 2012 chiếm đa số (1.109/1169 tài sản, chiếm 94,8%).

- Đại diện Viện Kiểm sát

Còn với bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái bà Lan) được đề nghị giảm án xuống còn 17-18 năm tù; Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Lan) từ 11-12 năm tù còn 10-11 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Capella) được đề nghị giảm mức án từ 10-11 năm tù xuống 9-10 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Dương Tấn Trước (Tổng giám đốc Công ty Tường Việt) được đề nghị giảm hình phạt từ 15-16 năm tù xuống còn 13-14 năm tù.

Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB) được đề nghị giảm án từ 19-20 năm tù xuống 18-19 năm tù.

Viện Kiểm sát còn đề nghị giảm mức hình phạt đối với Đặng Phương Hoài Tâm (cựu Phó trưởng phòng văn phòng HĐQT Vạn Thịnh Phát) từ 19-20 năm tù xuống còn 17-18 năm tù; Hồ Bửu Phương (cựu Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Vạn Thịnh Phát) từ 19-20 năm tù xuống 18-19 năm tù; Nguyễn Phương Anh (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Penninsula) từ 19-20 năm tù xuống 18-19 năm tù; Bùi Ngọc Sơn (Phó giám đốc Phòng Tái thẩm định SCB) từ 4-5 năm tù xuống 3-4 năm tù…

Với nhóm bị cáo thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), Viện Kiểm sát đề nghị giảm án từ 14-15 năm tù xuống 11-12 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng); Nguyễn Thị Phi Loan (Phó cục trưởng Cục II, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) được đề nghị giảm còn 5-6 năm tù; Võ Văn Thuần (Phó cục trưởng Cục II) được giảm mức đề nghị từ 7-8 năm tù xuống 6-7 năm tù; Phan Tấn Trung (Phó chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM) giảm mức đề nghị từ 7-8 năm tù còn 6-7 năm tù; Nguyễn Tín (cựu cán bộ Cục II) giảm mức đề nghị từ 5-6 năm tù xuống 4-5 năm tù.

Trưởng đoàn thanh tra, Đỗ Thị Nhàn nhận 5,2 triệu USD, không có tên trong danh sách đề nghị giảm án.

Tin liên quan
Tin khác