Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”, cả 11 bị cáo được Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Hà Nội đề nghị tuyên phạt từ 18-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Tuy nhiên, có 2 bị cáo vẫn tiếp tục kêu oan, khẳng định bản thân không phạm tội như Viện Kiểm sát quy kết.
Cần làm rõ trách nhiệm các cá nhân của Hội đồng Thẩm định giá đất
Là người bị đề nghị mức án 18-20 tháng tù treo, bị cáo Trần Công Tuyên, cựu Trưởng phòng thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh giữ quan điểm phủ nhận cáo buộc và cho rằng, bản thân không có chuyên môn về xác định giá đất nên mới thuê đơn vị tư vấn, thực hiện thẩm định giá để có cơ sở tham mưu sao cho sát thực tế nhất, với mục đích để dự kiến nguồn thu ngân sách.
Bị cáo Tuyên cho rằng, thẩm quyền lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá và phê duyệt giá khởi điểm thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Ban quản lý dự án và bản thân bị cáo không có nhiệm vụ này, cũng không tham gia quá trình phê duyệt, nên không thể có chuyện tác động vào quyết định mức giá khởi điểm.
Có 2 trong số 11 bị cáo tiếp tục kêu oan |
Ngoài ra, bị cáo cũng khai, không có động cơ, mục đích, và bản thân cũng không có vụ lợi gì, mà chỉ muốn đẩy nhanh tiến độ của việc triển khai dự án theo nhiệm vụ được phân công.
Theo bị cáo Tuyên, Viện Kiểm sát quy kết bị cáo đã thông đồng, dìm giá trị khu đất từ hơn 500 tỷ đồng xuống còn 334 tỷ đồng, nhưng thực tế khu đất này được các cơ quan cấp trên quyết định ở mức 284 tỷ đồng. Điều đó thể hiện việc bị cáo không có thẩm quyền quyết định về giá, đồng thời bản thân cũng không được hưởng lợi gì nếu hạ giá đất.
Là người thứ 2 kêu oan, bị cáo Nguyễn Thị Loan mong Hội đồng xét xử xem xét thấu đáo toàn bộ hồ sơ vụ án, trong đó có hơn 80 bộ hồ sơ, tài liệu đã nộp cho Tòa ngay trước ngày vụ án được đưa ra xét xử.
Theo bị cáo Loan, trong quá trình điều tra, truy tố, bị cáo đã nhiều lần đề nghị được cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan này để chứng minh bản thân vô tội, nhưng đã không được tiếp nhận, giải quyết.
Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Loan, trong hồ sơ vụ án có nêu tách hành vi của một số cán bộ trong Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể thành phố, nhưng đến nay không có cán bộ nào bị xử lý.
Vị luật sư nhận định, việc xác định giá khởi điểm để đấu giá khu đất liên quan vụ án này thuộc thẩm quyền của Hội đồng định giá đất cụ thể thành phố Hà Nội, tuy nhiên, giá đất khởi điểm đã được xác định thấp hơn nhiều giá trị thực tế, hậu quả là gây thất thoát ngân sách Nhà nước 135 tỷ đồng.
Do đó, việc cơ quan tố tụng chỉ khởi tố, truy tố với một số cá nhân vi phạm trong quá trình đề xuất, thẩm định giá, ban hành chứng thư thẩm định giá; còn đối với những cá nhân là thành viên trong Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể Thành phố là những người có thẩm quyền quyết định giá đất khởi điểm đấu giá và là người chịu trách nhiệm trước quyết định của mình lại không bị khởi tố, điều tra, là không phù hợp.
Các thành viên của Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể là người có chức vụ, quyền hạn và có quyền quyết định về giá đất khởi điểm để đưa ra đấu giá, nhưng đã thiếu trách nhiệm, dẫn đến hậu quả thiệt hại lớn, do đó, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong vụ án này.
Luật sư đề nghị trả hồ sơ, điều tra bổ sung vụ án
Nêu quan điểm bào chữa cho bị cáo Loan, luật sư Trương Quốc Hòe (Văn phòng luật sư Interla) đề nghị tòa trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung vì vụ án còn rất nhiều điểm chưa được làm rõ.
Theo luật sư Hòe, bị cáo Loan là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vimedimex chứ không phải là người đại diện theo pháp luật 3 công ty nêu trên, không phải là người ủy quyền cho người đại diện của 3 công ty để tham gia đấu giá.
Luật sư Trương Quốc Hòe đề nghị Tòa trả hồ sơ, điều tra bổ sung vụ án. |
Hơn nữa, những công ty này cũng không phải là công ty thành viên, không có phần vốn góp, là các pháp nhân độc lập với Tập đoàn Vimedimex. Bị cáo Loan tuy có tham gia góp vốn 20% nhưng không thuộc trường hợp nhóm công ty, cá nhân có quyền quyết định hoạt động kinh doanh của các công ty.
Do đó, việc bị cáo Loan đồng ý chủ trương để 3 công ty này tham gia đấu giá, còn việc tham gia đấu giá, bỏ giá như thế nào thì bị cáo này không thể chỉ đạo. Cùng với đó, đến nay cũng chưa có tài liệu nào chứng minh 3 công ty này có quan hệ "móc ngoặc" với đơn vị tổ chức đấu giá, tư vấn thẩm định, cơ quan quản lý, nên việc cơ quan tố tụng quy kết bị cáo Loan thông đồng, dìm giá đất là không có căn cứ.
“Sai phạm trong việc xác định giá khởi điểm của khu đất thuộc về đơn vị tư vấn thẩm định giá và người có tài sản bán đấu giá, chứ không phải do bên tham gia đấu giá là Công ty Bắc Từ Liêm, hoặc tác động từ cá nhân bị cáo Loan”, luật sư nêu quan điểm.
Liên quan tới việc xác định thiệt hại của vụ án, luật sư Hòe cho rằng, cơ quan tố tụng lấy mốc thời gian là tháng 10/2020 (thời điểm phát hành chứng thư thẩm định giá) để kết luận thiệt hại, nhưng thực tế tháng 11/2020 mới diễn ra đấu giá.
Như vậy, nếu tính thiệt hại từ thời điểm tháng 10/2020 thì trách nhiệm phải thuộc về nhóm tư vấn thẩm định giá và cán bộ thuộc UBND huyện Đông Anh. Các công ty có quyền tham gia đấu giá, không có trách nhiệm phải biết giá khởi điểm đã đúng giá trị thực tế hay chưa, chỉ tham gia trả giá dựa theo kế hoạch kinh doanh của công ty đó. Cơ quan tố tụng không thể chỉ căn cứ vào việc các công ty bỏ giá bằng nhau mà kết luận rằng có sự chỉ đạo, thông đồng, dàn xếp từ trước…
Từ những căn cứ đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ một số vấn đề, trong đó thực hiện định giá lại tài sản để làm căn cứ xác định chính xác thiệt hại của vụ án, đồng thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao để xác định có hay không việc vi phạm tố tụng.