Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình rà soát, đánh giá diện tích mỏ đất sét tại xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy đề nghị bổ sung vào Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam cho nhà máy Xi măng Vissai Hà Nam |
Bộ Xây dựng mới đây đã có Văn bản số 2314/BXD-VLXD gửi UBND tỉnh Hòa Bình liên quan đến kiến nghị của UBND tỉnh Hòa Bình bổ sung mỏ đất sét với diện tích 23,3 ha tại xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy vào Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam cho nhà máy Xi măng Vissai Hà Nam.
Theo đó, ngày 13/7/2015, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 1519/BXD-VLXD lấy ý kiến các Bộ: Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đến nay, Bộ Xây dựng đã nhận được văn bản góp ý của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường (văn bản số 3311/BTNMT-ĐCKS ngày 12/8/2015), Văn hóa, Thể thao và Du lịch (văn bản số 4778/BVHTTDL-DSVH ngày 18/11/2015); còn Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chưa có ý kiến.
Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình rà soát, đánh giá diện tích mỏ đất sét tại xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy đề nghị bổ sung vào Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam cho nhà máy Xi măng Vissai Hà Nam theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương tại Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Sau khi nhận được ý kiến của UBND tỉnh, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tập đoàn Xi măng The Vissai sở hữu nhiều dây chuyền sản xuất xi măng từ Hà Nam, Ninh Bình vào tới miền Trung. Nhà máy Vissai Hà Nam hiện có dây chuyền công suất 7.500 tấn clinker/ngày, tương đương 3 triệu tấn xi măng/năm.
Vissai Ninh Bình với 2 dây chuyền, công suất 3,6 triệu tấn xi măng/năm. Vissai Lạng Sơn 1 triệu tấn xi măng/năm, trong khi đó Vissai miền Trung sau khi hoàn thành đầu tư giai đoạn 2 sẽ có quy mô 7 triệu tấn xi măng/năm. Hiện Vissai Miền Trung đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4,5 triệu tấn/năm.