Được thành lập năm 2010 và trụ sở chính tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Xiaomi đang là một trong những hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới. Ảnh: Shutterstock |
Cụ thể, cổ phiếu Xiaomi "bay hơi" 12% trong ngày giao dịch 2/12, mức giảm sâu nhất trong ngày kể từ khi niêm yết tại Hong Kong vào năm 2018, theo BloombergQuint.
Sáng nay 2/12, cổ phiếu Xiaomi đã phải hoãn giao dịch sau khi hãng sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc không công bố thương vụ chào bán cổ phần kịp thời lúc mở cửa, khiến không ít thành viên tham gia thị trường ngạc nhiên.
Trong thông cáo giữa ngày, Xiaomi xác nhận đã bán 1 tỷ cổ phiếu ở mức giá 23,70 đô la Hong Kong/cổ phiếu, thấp hơn 9,4% so với giá đóng cửa ở phiên trước.
Cổ phiếu Xiaomi trượt dốc 6,5% xuống mức 24,40 đô la Hong Kong lúc 15:21 (giờ Hong Kong), đồng nghĩa rằng giá trị vốn hóa Xiaomi "bốc hơi" tận 5,5 tỷ USD, gần gấp đôi so với số vốn mà hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 của Trung Quốc huy động từ vụ chào bán cổ phần tại Hong Kong.
Ngay phiên trước đó, cổ phiếu Xiaomi tăng "bốc đầu" 124% và được gắn mác cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất trong rổ chỉ số Hang Seng. Quyết định huy động thêm vốn của Xiaomi khiến giới phân tích đặt câu hỏi liệu giá trị vốn hóa của tập đoàn này sắp qua đỉnh.
"Lựa chọn thời điểm tiến hành thương vụ (của Xiami) là không đúng lúc", Jason Sun, chuyên gia phân tích tại Ngân hàng đầu tư China Renaissance (Hong Kong). Tuần trước, chuyên gia này đã khuyến cáo mua vào cổ phiếu Xiaomi.
"Xiaomi không thiếu tiền mặt. Nhưng quyết định phát hành lượng lớn cổ phiếu lúc này đã gây sốc", Jason Sun nhận định.
Phát hành cổ phiếu để huy động vốn thời điểm này là bước đi chậm chạp và thậm chí là thất bại của Xiaomi, bởi quyết định này được đưa ra khoảng 1 tháng sau khi thị trường Hong Kong rúng động trước quyết định của cơ quan chức năng Trung Quốc khiến thương vụ IPO của Công ty dịch vụ tài chính Ant Group bị tê liệt - thương vụ được cho là có quy mô lớn nhất năm 2020 tại Hong Kong.
"Có lẽ (Xiaomi) cần thêm thời gian để lấy xác nhận giao dịch của nhà đầu tư, cho nên đã trì hoãn công bố thương vụ", Steven Leung, Giám đốc điều hành Công ty môi giới UOB Kay Hian (Hong Kong) bình luận.
"Ngoài ra, (Xiaomi) cũng gặp áp lực từ việc phát hành trái phiếu chuyển đổi (trị giá 900 triệu USD), bởi một số nhà đầu tư có thể mua trái phiếu chuyển đổi và biến chúng thành cổ phiếu để kiếm lời cố định hơn", Steven Leung nói thêm.
Thương vụ chào bán cổ phần và phát hành riêng lẻ trái phiếu chuyển đổi được cho là giúp Xiaomi gia tăng tài sản tích lũy trong cuộc cạnh tranh với đối thủ như Huawei.
Xiaomi gần đây mạnh lên và giành giật thị phần từ Huawei, đặc biệt tại thị trường châu Âu và Ấn Độ, sau khi Mỹ áp thêm các đòn trừng phạt nhằm vào tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc. "Sức khỏe" gần đây của Xiaomi khiến giới phân tích băn khoăn liệu hãng này sẽ ra sao trong cuộc đối đầu với Huawei khi mà doanh thu dịch vụ internet của Xiaomi đã tăng chậm lại còn 8,7% trong quý III - thời điểm hoạt động và dịch vụ trực tuyến tại Trung Quốc co lại do dịch Covid-19 tại nước này được khống chế. Mức tăng này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 29% trong quý II.
Thương vụ chào bán cổ phần của Xiaomi đều có sự hiện diện của các "ông lớn" tài chính thế giới, gồm: Credit Suisse Group AG, Goldman Sachs, JPMorgan Chase, và Morgan Stanley. Nhưng theo BloombergQuint, thương vụ niêm yết của Xiaomi tại Hong Kong năm 2018 là một trong những cú sẩy chân tai tiếng thất ở thị trường này, bởi sau IPO cổ phiếu Xiaomi trượt sâu và thậm chí chạm đáy biên độ giá ban đầu.