Ngân hàng - Bảo hiểm
Xin nới “room” để đẩy tín dụng
Thùy Vinh - 18/09/2013 07:30
Với mức tăng trưởng tín dụng đạt trên dưới 10%, các ngân hàng VietCapital Bank, HDBank, NamA Bank... đang có kế hoạch xin tăng “room” tín dụng để có thêm điều kiện tăng trưởng dư nợ những tháng cuối năm 2013. Vietcombank tăng trưởng tín dụng âm

Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Phương Đông (OCB), ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, riêng trong quý III, tín dụng đã có dấu hiệu khởi sắc và tốt hơn so với 2 quý đầu năm.

Dư nợ của OCB đến hết quý II tăng hơn 6% và dự kiến cả năm sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra ở mức 12%. Theo ông Tùng, nếu có nhu cầu cao hơn về tăng trưởng dư nợ trong những tháng cuối năm, OCB sẽ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tăng “room” tín dụng.

Trong quý III, tín dụng của Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã có dấu hiệu khởi sắc và tốt hơn so với 2 quý đầu năm

Theo đánh giá của ông Tùng, khả năng tín dụng sẽ cải thiện hơn trong những tháng cận Tết.

Tuy nhiên, sẽ khó có sự đột biến về tăng trưởng dư nợ tín dụng trong mùa kinh doanh năm nay, bởi nợ xấu và tồn kho vẫn là rào cản.

“Nợ xấu đối với khoản vay mới đã được kiểm soát, song với các khoản vay cũ thì nợ xấu vẫn phát sinh, do sức khỏe của nhiều doanh nghiệp yếu dần trước diễn biến thị trường còn khó khăn”, ông Tùng nói.

Chính điều này sẽ buộc các nhà băng thận trọng hơn trong việc cấp tín dụng và cũng là lý do khiến dư nợ khó tăng trưởng mạnh trong mùa kinh doanh cuối năm.

Ông Trần Ngô Phú Vũ, Tổng giám đốc NamA Bank cho hay, nhu cầu vốn của thị trường luôn có và nguồn vốn ngân hàng hiện cũng khá dôi dư. Song với các khách hàng tốt, không phải ai cũng muốn vay vốn trong điều kiện thị trường còn những khó khăn nhất định.

Lãi suất hiện đã giảm nhiều so với trước và không còn là rào cản đối với doanh nghiệp có sức khỏe tốt, nhưng mục tiêu vay vốn phải được tính toán kỹ. Trong khi đó, với những khách hàng chấp nhận vay lãi suất cao, phía ngân hàng lại khá e ngại do lo rủi ro nợ xấu tăng, nên vẫn hạn chế cung ứng vốn.

Hiện thanh khoản của các ngân hàng đã được cải thiện đáng kể, tín dụng hiện có phần cải thiện, nhưng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chưa có dấu hiệu cải thiện. Phó chủ tịch HĐQT một ngân hàng cho biết, so với trước đây, thì trong môi trường hoạt động ngân hàng hiện nay xuất hiện nhiều rủi ro mới.

“Nếu trước đây, khi nói đến rủi ro trong hoạt động ngân hàng, người ta thường nói đến rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng, rủi ro tỷ giá…, thì nay có thêm rủi ro về chính sách, rủi ro ngành hàng và rủi ro thị trường. Những yếu tố này tác động đến hoạt động của ngành ngân hàng. Vì thế, nếu chỉ tập trung vào mục tiêu là lợi nhuận mà dễ dãi trong việc cho vay sẽ để lại hậu quả nợ xấu lớn”, vị Phó chủ tịch HĐQT trên nói.

Xét trên bình diện tổng thể, hệ thống ngân hàng khó đạt mức tăng 12% tín dụng năm 2013 như kế hoạch, bởi khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế, thị trường bất động sản trầm lắng và tổng cầu của nền kinh tế đang yếu. Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, không nên quá câu nệ con số tăng trưởng, mà phải quan tâm tới chất lượng tín dụng ra sao.

Về vấn đề này, ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam cho rằng, các ngân hàng không nhất thiết phải chạy theo mục tiêu tăng trưởng 12% và không nên cho vay bằng mọi cách.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cũng đánh giá, áp lực về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là rất lớn, vì vậy việc ngành ngân hàng đạt được con số tăng trưởng tín dụng khoảng 10% đã là rất tốt. Vấn đề quan trọng hơn vẫn là chất lượng tín dụng, bởi nếu không đảm bảo chất lượng tín dụng thì hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế sẽ phải trả giá rất đắt là nợ xấu.

“Tín dụng cần đi vào đúng địa chỉ cung cấp, đồng thời bảo đảm nguồn hoàn trả”, ông Hiếu nói.

Tin liên quan
Tin khác