Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi đã được Quốc hội thảo luận vào ngày 7/11. |
Theo nghị trình Kỳ họp thứ tám của Quốc hội, chiều 30/11, ngay trước phiên bế mạc Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi).
Đây là Luật khó, quá trình thảo luận một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, có đại biểu băn khoăn khi được thông qua theo quy trình một kỳ họp (thông lệ là hai kỳ họp).
Để có căn cứ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo luật, tối 28/11 Tổng thư ký Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến về hai phương án quy định chuyển tiếp tại khoản 7 Điều 81.
Phương án 1: Không quy định khoản 7 Điều 81 trong dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý.
Phương án 2: quy định tại khoản 7 Điều 81 trong dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý, cụ thể: “7. Các dự án đầu tư nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên trong nước và khí thiên nhiên hóa lỏng đã lựa chọn được nhà đầu tư trước thời điểm luật này có hiệu lực được áp dụng các cơ chế theo quy định tại khoản 6 và khoản 8 Điều 5, khoản 2 Điều 12 của Luật này”.
Phiếu xin ý kiến nêu rõ ưu, nhược điểm của cả hai phương án.
Theo đó, với phương án 1 ưu điểm là thực hiện đúng tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, nhất là quan điểm không quy định trong Luật đối với những vấn đề chưa chín, chưa rõ, chưa đồng thuận và cần tiếp tục nghiên cứu; không hợp pháp hóa các sai phạm nếu có.
Thực hiện đúng quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật (Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị).
Nhược điểm là nếu bỏ quy định này sẽ có thể gây khó khăn, ảnh hưởng nhất định trong triển khai thực hiện các dự án điện khí đã có chủ đầu tư trong Quy hoạch điện VIII. Việc các dự án điện khí đã có chủ đầu tư mà không được triển khai thực hiện có khả năng sẽ gây thiếu hụt nguồn điện chạy nền, khó bảo đảm an ninh cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội.
Có thể không bảo đảm việc ưu đãi đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật.
Tuy nhiên, việc ưu đãi đầu tư, bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật đã được quy định tại Điều 13 Luật Đầu tư.
Với phương án 2 thì ưu điểm là ngay sau khi Luật được ban hành và có hiệu lực, tất cả dự án điện khí đã lựa chọn được nhà đầu tư trước thời điểm Luật này có hiệu lực đều được hưởng các chính sách ưu đãi như nhau, tạo môi trường thu hút đầu tư, bình đẳng giữa các nhà đầu tư.
Các dự án này có thể sớm triển khai, đáp ứng ngay nhu cầu cung cấp điện năng, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Nhược điểm là quy định này không phù hợp với tính chất quy định chuyển tiếp vì bản chất có tính chất hồi tố. Quy định này không chỉ được áp dụng đối với các dự án đầu tư nguồn điện sử dụng khí LNG hóa lỏng đã được lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật ở thời điểm hiện tại mà còn được áp dụng đối với tất cả các dự án trước thời điểm Luật Điện lực (sửa đổi) có hiệu lực.
Đây là vấn đề chưa được rà soát, đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng; nếu áp dụng các cơ chế theo quy định tại khoản 6 và khoản 8 Điều 5, khoản 2 Điều 11 của Luật này thì có thể dẫn đến cơ chế xin-cho, trục lợi chính sách, nảy sinh nhiều hệ lụy tiêu cực, phiếu xin ý kiến nêu nhược điểm.
Theo thiết kế tại phiếu xin ý kiến, ngoài các ô để chọn phương án, còn có mục “ý kiến khác” để đại biểu nêu ý kiến.