TIN LIÊN QUAN | |
Doanh nghiệp có quyền "tự do kinh doanh" đến đâu? | |
Nhà nước có nhiệm vụ tạo cơ hội |
Khi bàn về Dự thảo Luật Quản lý đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, Dự thảo Luật Doanh nghiệp, các đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh một ý quan trọng, đó là nếu không xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản với doanh nghiệp nhà nước, các nội dung mang tính cải cách của các dự luật sẽ khó đi vào cuộc sống.
Cơ chế bộ chủ quản kéo theo sự phân biệt giữa khu vực doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp khác |
Đã có đề xuất thành lập một cơ quan ngang bộ để quản lý phần vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp, giải phóng các bộ quản lý nhà nước khỏi chức năng quản lý của chủ sở hữu nhà nước.
Bởi lẽ, việc kéo dài quá lâu cơ chế cơ quan quản lý hành chính nhà nước đồng thời thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước kéo theo sự phân biệt giữa khu vực doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp khác.
Cách quản lý vừa đá bóng, vừa thổi còi, vừa can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp, vừa xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp cũng đang gây thêm những yếu tố bất lợi cho môi trường kinh doanh, ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu huy động tối đa sự tham gia của các thành phần kinh tế vào sự phát triển của đất nước.
Hơn thế, trong bối cảnh tiến trình cổ phần hóa đang được đẩy nhanh, nhất là trong các tập đoàn, tổng công ty lớn, việc can thiệp quá sâu, quá phân tán của của bộ chủ quản – với vai trò đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp - không còn phù hợp với quy định của pháp luật.
Hiện tại, dự thảo Luật Doanh nghiệp đang đưa hai phương án để thảo luận. Một là, nếu vẫn giữ mô hình cơ quan chủ quản, thì phải có bộ phận chuyên trách đủ thẩm quyền thực hiện chức năng chủ sở hữu. Hai là, Chính phủ thành lập một cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng chủ sở hữu.
Cho dù ban soạn thảo dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi giải trình là trong phương án nào, cơ quan chủ sở hữu cũng phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội trong việc thực hiện các quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, nhưng rõ ràng, vẫn còn sự trùng trình trong lựa chọn phương án.
Thực ra, đây không phải là đòi hỏi mới. Ngay từ khi tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước được khởi sự cách đây hơn 20 năm, việc xóa bỏ cơ chế chủ quản đã được đặt ra và từng bước thực hiện.
Đề án “Tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước và đổi mới mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước” đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu nhiều năm và trình Chính phủ vào cuối năm ngoái. Trong đó có đề xuất thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước làm đầu mối thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quan trọng. Đây là phương án được cho là mang tính toàn diện, đột phá và khắc phục triệt để những hạn chế của cơ chế chủ quản.
Tuy nhiên, phương án này vẫn đang được bàn do những đòi hỏi thay đổi rất lớn, nhất là phải hình thành thêm tổ chức, xây dựng cơ chế, chính sách mới. Cùng với đó là những lo ngại về năng lực của một siêu bộ - do phải quản lý quá nhiều doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực...
Trong lúc này, với chương trình cổ phần hóa diện rộng đang diễn ra sẽ giảm mạnh số lượng và phạm vi hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nỗ lực thay đổi lớn trong khu khổ pháp lý liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, việc xem xét xóa cơ chế bộ chủ quản đang hội tụ các điều kiện cần. Điều kiện đủ hiện giờ là quyết tâm chính trị của Chính phủ.
Bảo Duy