Chính phủ đã có biện pháp chính sách kịp thời
Đánh giá về tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Thị Thu Trà, Giảng viên cấp cao, Chủ nhiệm bộ môn Kinh tế, Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam phân tích, Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai và nhà xuất khẩu lớn nhất toàn cầu, chiếm 14% kim ngạch xuất khẩu của thế giới và sở hữu vị trí quan trọng trong nhiều chuỗi giá trị toàn cầu. Khi nền kinh tế toàn cầu và các chuỗi giá trị toàn cầu kết nối và phụ thuộc lẫn nhau, sự lan truyền của dịch bệnh và các tác động tiêu cực lên nền kinh tế trên quy mô toàn cầu là khó tránh khỏi.
TS. Phạm Thị Thu Trà |
Đặc biệt, những quốc gia trong khu vực có liên kết gần gũi với Trung Quốc cả về mặt địa lý và thương mại đang bị ảnh hưởng mạnh nhất. Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ, bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỉ trọng lớn nhất trong kim ngạch nhập khẩu Việt Nam (29,8% năm 2019) và tỉ trọng lớn thứ hai trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (15,7% năm 2019).
TS. Phạm Thị Thu Trà cho rằng, những lĩnh vực đang chịu tác động rõ ràng của Covid-19 là các ngành dịch vụ, thương mại, sản xuất công nghiệp và xây dựng. Trong ngắn hạn, các ngành nội địa như nông nghiệp, vận chuyển, du lịch và khách sạn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng phát của dịch bệnh. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam được dự báo sẽ giảm 60% trong quý I/2020 do dịch bệnh.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, thách thức hiện tại trong các lĩnh vực này dù bề ngoài rất trầm trọng nhưng bản chất là một cú sốc tiêu cực về cầu và có thể được đối phó được, thông qua các biện pháp chính sách kịp thời và niềm tin của người tiêu dùng.
Liệt kê và ghi nhận các chính sách được áp dụng gần đây như gia hạn cho vay, cắt giảm lãi suất và giãn thời gian trả bảo hiểm xã hội nhắm vào các lĩnh vực này sẽ giúp giảm bớt căng thẳng tài chính mà các công ty phải đối mặt, TS. Trà cho rằng, ngay cả trước khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn ở Việt Nam, Chính phủ sẽ cần triển khai các biện pháp kích cầu tiếp theo để tăng cường chi tiêu trong nước và giúp các ngành này phục hồi hoạt động.
“Nỗ lực của Chính phủ để khởi động các dự án quốc gia như đường cao tốc Bắc - Nam, Sân bay quốc tế Long Thành, cũng như các dự án giao thông và thủy lợi khác là một động thái quan trọng trong lộ trình kích cầu để thúc đẩy quá trình phục hồi của nền kinh tế”, bà nói.
Xoay chuyển thế nào với cú sốc nguồn cung?
Tuy nhiên, vấn đề mà vị chuyên gia đến từ Đại học RMIT Việt Nam nhấn mạnh cần quan tâm hơn là những thiệt hại nghiêm trọng cho phía cung của nền kinh tế Việt Nam.
Nhiều lĩnh vực sản xuất trong nước bao gồm da giày, dệt may, điện tử, sản xuất xe cơ giới, sắt thép phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Những lĩnh vực này chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh trong ngắn hạn và các tác động có thể kéo dài ngay cả sau khi dịch bệnh được kiềm chế trong nước và trong khu vực, bà nhận định.
TS. Trà cũng cho rằng, thách thức tương tự cũng đang lan tới nhiều doanh nghiệp FDI - những doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự và chuyên gia đến từ Trung Quốc và Đài Loan, bên cạnh tình trạng thiếu nguyên liệu.
Các tập đoàn lớn như LG, Samsung và Nike cho biết doanh thu của họ sẽ giảm đáng kể trong năm nay do việc dừng cung nguyên liệu đột ngột. Các doanh nghiệp nhỏ hơn lo ngại rằng họ có thể phải hủy đơn hàng xuất khẩu và tạm dừng hoạt động nếu dịch bệnh không sớm được ngăn chặn.
Theo TS. Phạm Thị Thu Trà, cú sốc cung này khó đối phó hơn. Các biện pháp tiền tệ và tài khóa (được gọi chung là các giải pháp chính sách ngắn hạn) sẽ không hiệu quả.
Do vậy, sẽ cần có các chính sách về phía cung. Để hạn chế tổn thất tiềm tàng, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực này cần tích cực tìm kiếm một giải pháp tự thân trước khi nhờ đến sự hỗ trợ của Chính phủ. Thay vì mở rộng kinh doanh, đã đến lúc tập trung vào giá trị kinh doanh cốt lõi thông qua chuyển đổi hoạt động, nâng cấp hệ thống quản lý tài chính và tìm kiếm các nhà cung cấp tiềm năng mới. Cần chú ý rằng việc tìm kiếm các nhà cung cấp mới cũng sẽ khá khó khăn do những xáo trộn trong chuỗi giá trị toàn cầu trong giai đoạn hiện nay và có thể là trong những năm tới nữa.
“Những nỗ lực không ngừng của Chính phủ để thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ đột phá hiện có ý nghĩa hơn bao giờ hết trong vai trò các chính sách cung. Việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật số, công nghệ tài chính (Fintech), công nghệ chuỗi (Blockchain) và các công nghệ đột phá khác sẽ thúc đẩy năng lực cạnh tranh và năng suất quốc gia, giúp nền kinh tế hồi phục trong trung và dài hạn”, bà nhìn nhận.
Trong bối cảnh hiện nay, độ tin cậy của các chính sách công sẽ là chìa khóa để đảm bảo hiệu quả của chính sách, cả trong quá trình chống lại Covid-19 và hành trình giúp đất nước vượt qua thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra. Độ tin cậy sẽ có được khi chính sách được thiết kế tốt, có mục tiêu rõ ràng, minh bạch, và được triển khai kịp thời ở tất cả các cấp trung ương và địa phương. Một khi niềm tin vào chính sách công là vững chắc, sự lo lắng trong xã hội về dịch bệnh sẽ được kiểm soát, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ được khôi phục, nền kinh tế sẽ hồi sinh và lấy lại đà phát triển.