Viễn thông - Công nghệ
Xông vào khe cửa hẹp mạng di động “ảo”
Hữu Tuấn - 05/04/2022 08:20
Dù chỉ chiếm thị phần 2%, hoạt động khó khăn, nhưng mạng di động ảo (MVNO - Mobile Virtual Network Operator) vẫn có thêm tân binh.
Mạng di động ảo Reddi của Mobicast ra mắt thị trường vào tháng 6/2020

Thêm lính mới gia nhập thị trường

Ngày 15/4 tới, Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên. Tài liệu gửi tới cổ đông về kế hoạch năm 2022, FPT Retail dự kiến “nghiên cứu, triển khai mô hình kinh doanh mạng di động ảo”. Nếu kế hoạch này được thực hiện, mạng di động ảo của FPT Retail sẽ là mạng di động ảo thứ 4 tại Việt Nam.

Động thái này của FPT Retail khiến giới kinh doanh viễn thông khá bất ngờ, bởi trước đó, 2 mạng di động ảo tiên phong đang hoạt động vẫn chưa thấy khởi sắc.

Đông Dương Telecom là doanh nghiệp đầu tiên triển khai mạng di động ảo tại Việt Nam, vào tháng 4/2019 với tên gọi Itel, hợp tác với Tập đoàn VNPT để sử dụng cơ sở hạ tầng của mạng di động VinaPhone với đầu số di động 087. Báo cáo mới nhất của Itel cho thấy, sau 3 năm, đầu số 087 có 2,5 triệu thuê bao hoạt động và hơn 1,3 triệu thuê bao phát sinh cước hàng tháng.

Tiếp đến, vào tháng 6/2020, mạng di động ảo Reddi của Mobicast ra mắt thị trường, hợp tác với VinaPhone và hướng tới phân khúc khách hàng trẻ tuổi. Sau hơn 1 năm vật lộn, tháng 9/2021, Mobicast đã bán lại 70% cổ phần, trị giá 295,5 tỷ đồng cho Tập đoàn Masan. Trong kế hoạch mới nhất vừa công bố, năm 2022, Masan sẽ tăng cường truyền thông tiếp thị, cải thiện nội dung và trải nghiệm người dùng trên ứng dụng Reddi, đồng thời duy trì chi phí thu hút khách hàng mới ở mức thấp. Reddi đặt mục tiêu thu hút từ 500.000 đến 1 triệu thuê bao mới trong năm 2022.

Mạng di động ảo thứ 3 có tên là Local, do Công ty cổ phần Viễn thông ASIM (ASIM Telecom) phát triển, ra mắt thị trường vào đầu tháng 5/2021. Local là mạng di động ảo sử dụng chung hạ tầng sóng của MobiFone.

Điểm chung của nhà mạng di động ảo là không có băng tần, không có hạ tầng mạng, mà phải đi thuê hạ tầng của các doanh nghiệp/nhà mạng sở hữu hạ tầng mạng (mạng MNO), để cung cấp dịch vụ viễn thông di động ra thị trường.

Mô hình kinh doanh của họ là thuê lại phần dung lượng với giá sỉ, sau đó bán cho khách hàng với giá bán lẻ. Lợi nhuận của nhà mạng ảo sẽ là phần chênh lệch giữa hai mức giá. Với công ty kinh doanh mạng di động ảo, việc thuê lại hạ tầng của các nhà mạng viễn thông sẽ giảm đáng kể rào cản khi bước vào thị trường vì không phải đầu tư lớn để xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên, cũng sẽ đối diện rủi ro khi hiện tại Viettel, VinaPhone, MobiFone đang thống trị thị trường với tổng thị phần hơn 95%.

Đặt niềm tin vào thị trường ngách

Các nhà đầu tư vào mạng di động ảo hiểu rõ những khó khăn, nhưng vì sao họ vẫn đặt cửa đầu tư?

Đối với Masan, theo ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan Group, Reddi là mảnh ghép đầu tiên để số hóa Point of Life, từng bước tích hợp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu vào một nền tảng duy nhất.

Reddi sẽ là mảnh ghép quan trọng trong hệ sinh thái của Masan, hướng vào phân khúc thị trường với đối tượng khách hàng trẻ, thông qua mobile app, đề cao sự tự do trải nghiệm và cá nhân hóa người dùng.

Nhìn vào chiến lược của các nhà mạng ảo có thể thấy rằng họ đang hướng vào các thị trường ngách như công nhân khu công nghiệp, sinh viên, khách hàng nội bộ…

Ông  Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Hệ sinh thái dịch vụ số Itelecom cho biết, hiện lượng thuê bao các mạng di động ảo mới chiếm khoảng 2% thị phần toàn thị trường, chưa phát huy hết tiềm năng.

“Không gian cho sự phát triển của mạng di động ảo còn rất lớn. Nếu chúng ta tạo điều kiện cho mạng di động ảo phát triển tối ưu, cùng với sự tham gia của doanh nghiệp ở các mảng tài chính, ngân hàng, bán lẻ, giải trí, IoT... thị trường mạng di động ảo tại Việt Nam hoàn toàn có thể bùng nổ và chiếm 10 - 20% thị phần viễn thông, tương ứng 15 - 20 triệu thuê bao”, ông Dũng chia sẻ. 

Còn theo ông Vũ Minh Trí, Giám đốc điều hành ASIM Telecom, với những lợi thế hạ tầng kết nối, nếu các nhà mạng có thể làm các dịch vụ, nội dung cung cấp tới khách hàng một cách chủ động thì cuộc chơi sẽ lớn hơn rất nhiều. Local đang hướng tới cung cấp cho người dùng các dịch vụ Lifestyle liên quan đến cuộc sống số, cung cấp cơ hội cho mọi người dùng công nghệ có thể chuyển đổi số cuộc sống một cách tự nhiên và dễ dàng nhất. ASIM sẽ tập trung vào khách du lịch và dịch vụ tài chính.

“ASIM có cả bất lợi và lợi thế. Việc đi sau sẽ khiến Công ty cần thêm thời gian để xây dựng thương hiệu, phát triển khách hàng. Ngược lại, việc đi sau cũng giúp Công ty có lợi thế hơn về công nghệ. Những người đi đầu phải chi rất lớn để đầu tư công nghệ, do đó những người đi sau được thừa hưởng điều này”, ông Trí cho biết.

Có thể thấy, chiến lược khai thác thị trường ngách của các nhà mạng ảo là hướng đi khá mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn chờ đón họ phía trước. Điển hình là hiện tổng số thuê bao di động cả nước ước đạt 123,76 triệu, thị trường viễn thông thực sự đã bão hòa trong 5 năm gần đây, không gian phát triển thêm thuê bao rất hạn chế.

Bên cạnh đó, biên lợi nhuận của viễn thông, giá data, APRU (doanh thu trung bình) viễn thông của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Hiện giá cước truy cập Internet di động trung bình cho 1GB dữ liệu, Việt Nam thuộc nhóm rẻ Top 10 thế giới với 0,57 USD (khoảng 13.300 đồng), ARPU của thuê bao băng rộng cố định chỉ đạt khoảng 137.000 đồng (khoảng 6 USD)/tháng. Điều này khiến không gian tìm kiếm lợi nhuận của các nhà mạng ảo càng khó khăn.

Hãng nghiên cứu thị trường Global Market Insights cho biết, quy mô thị trường mạng di động ảo đã vượt 65 tỷ USD vào năm 2020. Dự kiến, doanh thu của mạng di động ảo đến năm 2028 sẽ khoảng 123,4 tỷ USD.

Trên thế giới, Trung Quốc hiện có 62 mạng ảo với khoảng 75 triệu thuê bao; Đức có 132 mạng với 54 triệu thuê bao; Mỹ có 32 mạng với 51 triệu thuê bao...
Tin liên quan
Tin khác