Theo số liệu từ Bank of America (BOA), tính đến tháng 9/2017, BOA đã triển khai 40 VTM tại Mỹ với tên gọi định danh là “ATM with teller assist - ATM với sự hỗ trợ của tư vấn viên". Tại Đức, Commerze Bank cũng vừa vượt qua cột mốc 20 máy VTM, trong khi đó POSB/DBS (Singapore) - ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á đã nhanh chóng nâng số lượng VTM lên 10 máy, sau giai đoạn “pilot - chạy thử nghiệm" từ tháng 8/2016.
Theo một chuyên gia ngành ngân hàng, đây là xu hướng tất yếu, khi áp lực nâng cao chất lượng dịch vụ trong ngành ngân hàng ngày càng cao, trong khi những chiếc máy ATM truyền thống có 50 năm tuổi đã đến lúc hoàn thành nghĩa vụ của mình và chấp nhận nhường sân chơi cho thế hệ ngân hàng tự động kế cận, hiện đại hơn.
TPBank đã triển khai được 30/50 máy LiveBank theo kế hoạch mở rộng hệ thống LiveBank của ngân hàng trong năm 2017 |
Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia đầu tiên cùng Mỹ, Đức, Singapore sớm quan tâm đến xu hướng chuyển dịch của ngân hàng tự động thế hệ mới, đánh dấu bằng sự kiện TPBank đưa các VTM hiện đại với tên gọi LiveBank vào phục vụ khách hàng.
Theo Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng, TPBank đã triển khai được 30 LiveBank, chiếm 60% kế hoạch mở rộng 50 máy LiveBank trên toàn quốc của TPBank trong năm 2017.
Số liệu của TPBank thể hiện, trên 60% giao dịch của LiveBank được thực hiện ngoài giờ hành chính, doanh số giao dịch không ngừng tăng trưởng, vượt mức kì vọng.
Việc cân bằng về công nghệ so với những ngân hàng lớn trên thế giới cho thấy, TPBank có tham vọng trở thành một trong những ngân hàng mạnh nhất Việt Nam và đang nỗ lực nâng cao năng lực phục vụ khách hàng, với các giải pháp ngân hàng số.
Được biết, VTM với thế mạnh hoạt động 24/7, đáp ứng hầu hết các giao dịch ngân hàng và kết nối với tư vấn viên theo thời gian thực qua video call, giải quyết hiệu quả bài toán giảm áp lực giao dịch tại các chi nhánh truyền thống, giảm áp lực tiếp quỹ, tối ưu hóa thời gian và tiết kiệm chi phí.
Ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á – POSB/DBS (Singapore) hiện mới triển khai được 10 máy VTM tại Singapore. |
Trên thế giới, bình quân chi phí cho một giao dịch số tốn chưa tới 1 cent, trong khi đó một giao dịch tại quầy có chi phí dịch vụ lên tới hơn 1 USD, do đó, việc các ngân hàng đang có xu hướng sử dụng VTM thay ATM không phải là điều đáng ngạc nhiên.
Ngoài ra, cho dù chi phí dịch vụ trên mỗi giao dịch qua VTM tại các quốc gia đang phát triển có thể cao hoặc cao hơn rất nhiều mức chi phí dịch vụ nói trên, nhưng do tiện ích lớn của VTM đối với người dùng, những ngân hàng có định hướng đón đầu để phục vụ khách hàng tốt nhất, cũng sẵn sàng đưa VTM vào vận hành.