Ngân hàng - Bảo hiểm
Xu hướng tăng trưởng tín dụng “xanh”
Vân Linh - 21/03/2019 15:40
Xu hướng đầu tư, kinh doanh, tiêu dùng các sản phẩm “xanh” của cá nhân, doanh nghiệp được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích áp dụng và đẩy mạnh hơn.
Dòng vốn từ ngân hàng chảy vào dự án “xanh” ngày càng thay đổi tích cực.

Mới đây, Nam A Bank và Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF) đã hợp tác triển khai chương trình cấp vốn cho doanh nghiệp và cá nhân với các dự án được đánh giá là “xanh”. Mức lãi suất mà Nam A Bank giới thiệu lần này là khoảng 7%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 7,5%/năm với khoản vay trung, dài hạn. Người đi vay phải thỏa mãn một số tiêu chí nhất định, như có lịch sử tín dụng tốt, có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ xanh tối thiểu 1 năm...

Xu hướng tăng trưởng tín dụng xanh đã phát triển từ lâu trên thế giới với các dự án tiết kiệm năng lượng, tái tạo năng lượng và công nghệ sạch, hướng đến mục tiêu “kép” là tăng trưởng kinh tế gắn với bảo về môi trường. Đối với doanh nghiệp, tín dụng xanh đòi hỏi những yêu cầu khắt khe từ phía ngân hàng để đủ điều kiện cấp vốn. Còn các ngân hàng coi đây là cơ hội để mở rộng kinh doanh và góp phần giúp nền kinh tế bền vững hơn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành đưa ra năm nay ở mức 14%, chủ trương của NHNN là tiếp tục hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên. Riêng trong lĩnh vực xanh, sạch… đã có chủ trương đẩy mạnh từ lâu, nhưng thống kê cho thấy, hiện mới có 24% dự án xanh được các ngân hàng xây dựng quy trình thẩm định tín dụng. Các dự án chủ yếu được thực hiện tại một số hội sở chính và chi nhánh của các ngân hàng: Sacombank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank, SHB, ACB, Viet A Bank, OCB, Nam A Bank…

Có một bất ngờ trong các con số tăng trưởng tín dụng cuối năm 2018, đó là lĩnh vực “xanh” dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng lên đến 30%, cao hơn các lĩnh vực ưu tiên khác như nông nghiệp nông thôn (15,5%), doanh nghiệp nhỏ và vừa (13,5%), xuất khẩu (3,5%). Dư nợ cho vay các dự án xanh tính đến cuối quý II/2018 ước là hơn 235.717 tỷ đồng. Điều này cho thấy, dòng vốn từ ngân hàng chảy vào dự án “xanh” ngày càng thay đổi tích cực.

Với chương trình tín dụng “xanh”, các ngân hàng hướng đến việc cho vay mua những sản phẩm tiêu dùng như các dòng xe Sedan hay máy lạnh sử dụng công nghệ Inverter thân thiện với môi trường. Trên thực tế, NHNN đã phê duyệt Đề án “Phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam” và con số được nêu rõ là đến năm 2025, sẽ có 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng “xanh”.

Bản thân các tổ chức tín dụng cũng chú trọng hơn đến yếu tố “xanh” trong hoạt động cấp tín dụng. Thống kê của NHNN cho thấy, 17 tổ chức tín dụng đã xây dựng quy trình thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong các quy định nội bộ. Một số ngân hàng gắn tính “xanh” vào các chiến lược marketing và định hướng phát triển dài hạn.

Theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, ngân hàng, để khuyến khích tín dụng “xanh” phát triển, không chỉ có lãi suất hấp dẫn, điều kiện vay vốn với tín dụng “xanh” đã được mở rộng so với cách hiểu trước kia, theo hướng đa lĩnh vực, đa đối tượng. Khái niệm “xanh” trước kia thường được hiểu là các dự án liên quan đến môi trường, đến các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, với quy mô lớn, thời gian hoàn vốn lâu, nên ít tổ chức tín dụng mặn mà. Nhưng hiện các dự án xanh được hiểu theo nghĩa rộng hơn, các dự án có quy mô nhỏ cũng có thể dễ dàng tiếp cận dòng tín dụng xanh giá rẻ.

Cơ hội mang lại từ dòng vốn giá rẻ cũng đi kèm với thách thức. Không chỉ chứng minh yếu tố xanh trong dự án, người đi vay còn phải cho thấy được khả năng quản trị và kinh nghiệm của mình. Điều này đặt ra thách thức với doanh nghiệp là phải đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và quản trị tốt.

Tin liên quan
Tin khác