Khảo sát này cho thấy, tỷ lệ sử dụng tiền mặt ở Việt Nam đang có xu hướng giảm do người tiêu dùng đón nhận những phương thức thanh toán mới.
Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng lên. |
Tỷ lệ sử dụng tiền mặt đang giảm
Dù sống trong thời đại kỹ thuật số, đa phần người tiêu dùng tại Đông Nam Á vẫn phụ thuộc vào tiền mặt để mua sắm hàng ngày. 84% người tiêu dùng trong khu vực đang sử dụng tiền mặt và mức độ sử dụng đặc biệt cao ở Myanmar, là nơi hầu hết mọi người đều chọn thanh toán bằng tiền mặt. Tỷ lệ này ở Việt Nam là thấp nhất khu vực, khi có 7 trên 10 người chọn sử dụng tiền mặt để thanh toán.
Khảo sát mới được ủy quyền bởi Visa chỉ ra rằng, người tiêu dùng Việt Nam đang giảm sử dụng tiền mặt do tăng cường thanh toán kỹ thuật số qua các công nghệ thanh toán mới như thanh toán thẻ không tiếp xúc, thanh toán trên các thiết bị di động và thương mại điện tử.
Theo Khảo sát thái độ thanh toán của người tiêu dùng tại Đông Nam Á do ENGINE Insights thực hiện dưới sự ủy quyền của Visa, Việt Nam chỉ xếp sau Thái Lan trong khu vực với tỷ lệ 80% người tiêu dùng dự định sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt thường xuyên hơn và tránh sử dụng tiền mặt. Đối với nhóm người dùng mang theo ít tiền mặt, lý do chính là vì ngày càng có nhiều nơi chấp nhận thanh toán không tiền mặt.
Đặc biệt, Việt Nam cũng vượt qua các quốc gia trong khu vực về tỷ lệ người tiêu dùng ủng hộ các sáng kiến của chính phủ (79%) để hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia không tiền mặt, điều này thể hiện rõ sự tiến triển quan trọng của Việt Nam hướng đến nền kinh tế không tiền mặt trong tương lai không xa.
Những xu hướng này cũng được thể hiện rõ hơn qua các số liệu từ VisaNet, mạng lưới xử lý thanh toán tiên tiến của Visa, với tổng giá trị giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ Visa tăng 39% và tổng số giao dịch tăng 54% (số liệu từ tháng 1 đến tháng 12/2019 so với cùng kỳ năm 2018). Rõ ràng, nhờ có sự phát triển của công nghệ, ngày càng có nhiều người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hình thức thanh toán không tiền mặt và nhận thức được tầm quan trọng của xu hướng thanh toán hiện đại này. Điều này được thể hiện rõ qua giá trị và số lượng giao dịch của thanh toán điện tử đều tăng trưởng trong năm qua.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào cho biết: "Sứ mệnh của Visa tại Việt Nam là mang đến cho người tiêu dùng những phương thức thanh toán hiệu quả, tiện lợi và an toàn nhất có thể. Mục tiêu này phụ thuộc nhiều vào mức độ đón nhận các công nghệ mới từ phía người tiêu dùng. Chính vì vậy, tôi rất vui khi kết quả khảo sát đã cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang đón nhận những lợi ích mà các công nghệ thanh toán mang lại cho cuộc sống và sử dụng các phương thức thanh toán số với tần suất ngày càng cao".
Công nghệ thanh toán không tiếp xúc dẫn đầu xu thế
Một trong những công nghệ mới quan trọng được khảo sát là thanh toán không tiếp xúc - phương thức thanh toán mà người dùng chỉ cần chạm thẻ, điện thoại hoặc các thiết bị đeo vào máy thanh toán POS để thực hiện thanh toán. Hiện có 37% người tiêu dùng thanh toán thẻ không tiếp xúc và thú vị là có đến 42% người dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động.
Đối với nhóm sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc, có 85% người đang sử dụng ít nhất một lần/tuần. Khảo sát cũng cho thấy tiềm năng lớn để các công nghệ mới khởi sắc, với 4 trên 5 người tiêu dùng chưa từng sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc khẳng định họ có quan tâm đến việc sử dụng phương thức thanh toán này.
Là công ty công nghệ thanh toán toàn cầu, Visa đã và đang nỗ lực đẩy mạnh thanh toán không tiếp xúc nhằm góp phần mang công nghệ này trở thành trào lưu mới tại thị trường Việt Nam. Nhờ đó, người dùng Việt Nam hiện đã có thể dễ dàng áp dụng phương thức thanh toán mới, an toàn, nhanh chóng và thuận tiện hơn tại các nhà hàng, siêu thị, các đơn vị bán lẻ, cửa hàng tiện lợi, rạp chiếu phim...
Ngoài ra, Visa cũng đang hỗ trợ triển khai chủ trương thu phí không dừng tại Việt Nam. Visa đã thành công trong việc hỗ trợ khách hàng và các nhà vận hành giao thông công cộng thực hiện phương thức thanh toán không tiếp xúc trong lĩnh vực này với hơn 100 dự án đã hoàn thành và đang hoạt động. Vào tháng 8/2019, Visa đã cùng Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy việc áp dụng công nghệ thanh toán mở không tiếp xúc EMV cho tất cả mạng lưới giao thông đô thị. Vào tháng 12/2019, Visa hợp tác với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) triển khai thành công thẻ thông minh công nghệ cao để sử dụng trên chuyến xe buýt số 59 tại TP.HCM.
Bên cạnh triển khai các công nghệ mới nhằm tăng cường mức độ chấp nhận thanh toán không tiếp xúc cho người tiêu dùng, Visa cũng chú trọng đến các vấn đề an ninh xung quanh hệ thống thanh toán kỹ thuật số. Theo khảo sát của Visa, người tiêu dùng Việt Nam rất cởi mở trong việc chia sẻ thông tin cá nhân cho các tổ chức tài chính, ngân hàng. Việt Nam hiện dẫn đầu khu vực với 76% người tiêu dùng tin tưởng chia sẻ thông tin tài chính với các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán.
Theo khảo sát của Visa, 84% người tiêu dùng cảm thấy thông tin cá nhân của họ được bảo đảm an toàn khi thanh toán trên các thiết bị di động. Lượt thanh toán không tiếp xúc trên điện thoại di động, mã QR và thương mại điện tử đều tăng so với năm 2018 đã chứng minh mức độ tín nhiệm cao từ phía người tiêu dùng. Cụ thể, 82% người tiêu dùng sử dụng phương thức thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động ít nhất một lần một tuần.
Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ của các hình thức thanh toán không tiền mặt, bao gồm thẻ tín dụng, dịch vụ ngân hàng trực tuyến Internet banking, ví điện tử và các ứng dụng thanh toán kỹ thuật số khác. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tích cực đón nhận thanh toán kỹ thuật số bởi tính tiện lợi và tốc độ nhanh chóng, do đó hình thức thanh toán này được sử dụng thường xuyên hơn trong các giao dịch trực tiếp tại cửa hàng và mua sắm trực tuyến.
Khảo sát cũng cho thấy, các công nghệ thanh toán mới đang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, với 82% cho biết, họ quan tâm đến phương thức thanh toán bằng sinh trắc học, chẳng hạn như sử dụng dấu vân tay hoặc xác thực bằng giọng nói để hoàn thành giao dịch, trong khi 81% người dùng quan tâm đến thanh toán thông qua ngân hàng số.
"Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu các công nghệ thanh toán tiên tiến đến thị trường Việt Nam, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan để đảm bảo rằng lợi ích của các công nghệ này được truyền đạt rõ ràng đến người tiêu dùng. Đây là khoảng thời gian bùng nổ thương mại tại thị trường Việt Nam và chúng tôi mong muốn được đóng góp vào lộ trình hiện đại hóa nền kinh tế của đất nước", bà Đặng Tuyết Dung chia sẻ.