Đầu tư
Xu hướng tích cực của nền kinh tế vẫn tiếp tục
Hà Nguyễn - 01/08/2019 08:51
Những dấu cộng (+) tiếp tục xuất hiện trước các số liệu thống kê về tình hình kinh tế 7 tháng đầu năm và điều đó cho thấy, xu hướng tích cực của nền kinh tế vẫn đang tiếp tục.
Bức tranh kinh tế 7 tháng đầu năm cho thấy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, doanh nghiệp vẫn tìm thấy động lực để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.

Những gam màu sáng

Một bằng chứng khá rõ ràng là Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2019 ước tính tăng 5,9% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2019 đạt mức tăng khá 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vẫn thấp hơn mức tăng 10,7% của cùng kỳ năm trước, song con số này cao hơn mức tăng 7,2% của cùng kỳ năm 2017 và năm 2016. So sánh để thấy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, doanh nghiệp vẫn tìm thấy động lực để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.

Có động lực và nhìn thấy tiềm năng phát triển của thị trường, nên số doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng. Theo số liệu từ Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kể từ đầu năm tới nay, đã có 79.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp tăng mạnh - đạt 12,6 tỷ đồng. “Đây là mức cao nhất trong các năm trở lại đây. Điều này dự báo sức khỏe tốt hơn của các doanh nghiệp gia nhập thị trường”, Cục Đăng ký kinh doanh nhận định.

Có thêm doanh nghiệp gia nhập thị trường, nền kinh tế sẽ có thêm xung lực mới. Chưa kể, ngoài gần 1 triệu tỷ đồng mà các doanh nghiệp thành lập mới đổ vào nền kinh tế, thì các doanh nghiệp đang hoạt động còn đăng ký bổ sung một lượng vốn không nhỏ, đưa tổng lượng vốn đăng ký trong 7 tháng đầu năm lên gần 2,5 triệu tỷ đồng. Vốn đầu tư nước ngoài cũng rất khá, với trên 20 tỷ USD vốn đăng ký và trên 10,6 tỷ USD vốn giải ngân.

Trong bức tranh kinh tế 7 tháng đầu năm 2019, còn có thông tin khác rất tích cực là nền kinh tế đã xuất siêu 1,8 tỷ USD, cán cân thương mại đã đổi chiều ngoạn mục từ tháng 6, không còn nhập siêu như những tháng trước đó. Đặc biệt, tháng 6 đã xuất siêu tới 1,9 tỷ USD. Còn tháng 7, con số ước tính là 200 triệu USD.

Cùng với xuất siêu, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam cũng dần được cải thiện, với kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng qua đạt 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng của khu vực kinh tế trong nước đã lên tới 12,2%, cao hơn cả tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5,6%). Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước cũng đã có xu hướng tăng lên, chiếm 30,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 29%.

Thị trường ngoài nước tích cực, thị trường trong nước cũng tăng khá, khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng, sau khi trừ yếu tố giá cả, tăng 8,74% so với cùng kỳ, cao hơn cả mức tăng 8,72% của cùng kỳ năm ngoái.

Khi mà cầu hàng hóa cả trong và ngoài nước tăng nhanh sẽ tạo động lực để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, qua đó tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế.

Góc khuất đằng sau những thành tựu

Bên cạnh những gam màu sáng, bức tranh kinh tế 7 tháng đầu năm cũng chứa đựng những rủi ro, thách thức khôn lường. Điều đó đến ngay từ các số liệu thống kê về tình hình phát triển doanh nghiệp.

Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2019, có 57.206 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có 23.118 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 15,6%; 24.828 doanh nghiệp chờ giải thể, tăng 15,3%; 9.260 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 20%. Như vậy có nghĩa, trung bình mỗi tháng có 8.172 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo lý giải của Cục Đăng ký kinh doanh, việc số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao chủ yếu là vì có một số lượng lớn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có thời hạn. Số này tạm ngừng vì muốn tái cơ cấu danh mục đầu tư hoặc tạm thời dừng trước khi tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.

“Có nhiều doanh nghiệp sẽ quay trở lại hoạt động sau thời gian tạm ngừng kinh doanh. Tại các kỳ báo cáo, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thường tương đương hoặc cao hơn so với số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh”, Cục Đăng ký kinh doanh nhận định.

Mặc dù vậy, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, vẫn phải rất quan tâm đến tỷ lệ doanh nghiệp “chết”, bởi tỷ lệ này cao hơn so với mọi năm. Trước chỉ 40-50%, nhưng nay có thể lên tới 60-70%. “Vì sao lại thế? Tôi đi gặp doanh nghiệp thì thấy họ thực sự khó khăn, thị trường đã bão hòa, tìm thị trường ngách rất khó”, ông Thành nói.

Khó nên tháng 7/2019, cả nước có 12.352 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 139.200 tỷ đồng, giảm 4,7% về số doanh nghiệp và giảm 26,9% về số vốn đăng ký so với tháng trước.

Ngoài ra, việc giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước dù đã có dấu hiệu tích cực, đạt tỷ lệ cao hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn so với giai đoạn 2015-2019. Giải ngân thấp sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, xuất khẩu dù đã cải thiện hơn, song mức tăng trưởng 7,5% vẫn chưa được như kỳ vọng.

Tất cả cho thấy, kinh tế Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Đó cũng là lý do khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể chỉ đạt 6,5% trong năm 2019. IMF khuyến nghị, Việt Nam phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, gỡ bỏ các rào cản về hành chính đối với khu vực tư nhân trong và ngoài nước, làm sao thúc đẩy liên kết giữa hai khối doanh nghiệp này.

Tin liên quan
Tin khác