Đường dẫn vào Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Ảnh: Đức Thanh |
Không truy thu tiền vi phạm
Đây là một trong những nội dung trong Công văn số 2429/BGTVT - KCHT vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) xin ý kiến của Bộ Tài chính để thống nhất phương án thu, phí dịch vụ đường dẫn vào các nhà ga các cảng hàng không. Đây là một trong những điểm gợn lớn trong quá trình thực hiện Kết luận số 2569/KL - TTCP ngày 12/10/2017 của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV).
Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc không xử lý kinh tế đối với số tiền ACV đã thu được từ dịch vụ đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ô tô đưa, đón trả khách giai đoạn 2012-2017, do ACV đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ ngân sách theo quy định.
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, tại Kết luận số 2569, Thanh tra Chính phủ không kiến nghị xử lý kinh tế với số tiền sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ô tô đưa, đón trả khách mà ACV đã thu. Thực tế giai đoạn 2012-2017, số tiền thu được từ hoạt động này (khoảng 550 tỷ đồng) đã được ACV hạch toán kế toán, xuất hóa đơn, xác định doanh thu, chi phí, lợi nhuận, trích lập các quỹ của doanh nghiệp theo đúng hướng dẫn chế độ kế toán và đã nộp thuế, nghĩa vụ ngân sách theo đúng quy định.
Liên quan đến bất cập về việc thực hiện Luật Đất đai đối với đất sử dụng xây đường dẫn vào nhà ga hàng không trong Kết luận thanh tra nêu, ông Thọ cho biết, Bộ GTVT đã có Văn bản số 12383/BGTVT-KCHT ngày 31/10/2018 đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn áp dụng thống nhất quy định tại Điều 10, Điều 56 và Điều 156, Luật Đất đai đối với các loại đất tại cảng hàng không sân bay. Phương án xử lý sẽ được xác định sau khi có hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường về giao đất, cho thuê đất tại cảng hàng không, sân bay. “Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu đất phục vụ đường dẫn phải nộp tiền thì sẽ truy thu theo quy định của pháp luật”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Trước đó, tại Công văn số 8978/VPCP-V.I về việc xử lý sau thanh tra tại ACV ngày 19/9/2018, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT rà soát và có ý kiến chính thức về phương án xử lý số tiền dịch vụ và đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không thực tế mà ACV đã thu (giai đoạn 2012-2017) và giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát, thống nhất phương án thu, giá dịch vụ đường dẫn vào nhà ga các cảng hàng không trong thời gian tới; đảm bảo hợp lý, phù hợp theo quy định của pháp luật, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người sử dụng.
Chỉ thu phí nếu quá giờ quy định
Liên quan đến phương án thực hiện thu giá dịch vụ đường dẫn vào nhà ga các cảng hàng không trong thời gian tới, tại Công văn số 2429, Bộ GTVT tiếp tục bảo lưu quan điểm cho phép ACV và các chủ cảng hàng không được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội khác như Vân Đồn, Cam Ranh được thu giá dịch vụ đường dẫn vào nhà ga các cảng hàng không để bù đắp chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, đầu tư. Phương án được lựa chọn là không thu tiền xe ra vào khu vực đón trả khách trong khoảng thời gian nhất định tùy theo từng cảng. Những xe ô tô ra vào cảng quá thời gian quy định sẽ thu tiền như dịch vụ đậu sân bay.
“Điều này phù hợp với hoạt động tại các cảng hàng không Việt Nam hiện nay, đảm bảo nguồn thu để bù đắp chi phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, đầu tư, đồng thời vẫn kiểm soát và hạn chế được lưu lượng xe ra vào cảng. Đơn vị chủ cảng sẽ quyết định mức giá dịch vụ đường dẫn vào nhà ga, kê khai giá với Sở Tài chính địa phương, thực hiện niêm yết giá theo quy định”, lãnh đạo Bộ GTVT phân tích.
Được biết, Bộ GTVT đang chỉ đạo ACV tập trung, khẩn trương triển khai đồng bộ việc đầu tư, nâng cấp hệ thống kiểm soát xe ô tô ra vào các cảng hàng không trực thuộc Tổng công ty để thực hiện phương án thu theo thời gian nêu trên.
Tuy nhiên, 21 cảng hàng không trên cả nước do ACV quản lý, mỗi cảng có địa hình riêng, kết cấu hạ tầng nhà ga, đường ra vào khác nhau, do đó, việc đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống kiểm soát xe ô tô ra vào cho các cảng hàng không tốn nhiều thời gian. Bên cạnh đó, việc xây dựng phương án thu theo thời gian (giá thu và thời gian miễn thu) tại các cảng hàng không cần phải xây dựng, tính toán chi tiết, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng, lợi ích nhà nước và đảm bảo nguồn để đầu tư, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên của hệ thống đường dẫn vào nhà ga.
Trong Công văn số 2429, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng giao bộ này và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ACV khẩn trương hoàn tất công tác đầu tư hệ thống kiểm soát xe ô tô ra vào đồng bộ tại tất cả các cảng hàng không; xây dựng phương án thu theo thời gian để triển khai thực hiện đồng bộ tại tất cả các cảng hàng không do ACV quản lý, chậm nhất từ năm 2020.
“Trong giai đoạn đầu tư hệ thống kiểm soát xe ô tô ra vào cảng hàng không, để đảm bảo bù đắp chi phí khai thác, duy tu, bảo dưỡng, tái đầu tư hệ thống đường dẫn vào nhà ga và kiểm soát, hạn chế được lưu lượng xe ra vào cảng hàng không, cho phép ACV thực hiện phương án thu như hiện nay. ACV có trách nhiệm kê khai giá với Sở Tài chính địa phương, niêm yết giá theo quy định và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định của pháp luật”, lãnh đạo Bộ GTVT đề xuất.
ACV thu không đúng quy định đối với một số giá dịch vụ phi hàng không
Tại Kết luận số 2569, Thanh tra Chính phủ khẳng định, ACV thu không đúng quy định đối với một số giá dịch vụ phi hàng không. Cụ thể, 21 chi nhánh cảng hàng không đang thu giá dịch vụ sử dụng sân đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ô tô đưa đón trả khách là không đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Qua thanh tra, 19/21 cảng hàng không đã thu số tiền dịch vụ sân đường trên 550 tỷ đồng. “Việc thu này tuy mang lại lợi ích cho ACV và cho Nhà nước, nhưng lại vi phạm các quy định pháp luật, gây thiệt hại cho hành khách.