Người dân và các doanh nghiệp đang trông đợi cơ quan quản lý sớm có những giải pháp cấp bách để làm dịu cuộc “khủng hoảng” liên quan đến nhân sự đăng kiểm xe cơ giới đường bộ đang ngày một trầm trọng tại Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương khác sau khi hàng loạt đăng kiểm viên tại nhiều trung tâm đăng kiểm bị tạm giữ để phục vụ công tác điều tra.
Không phải là nơi đầu tiên phát hiện những sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới, nhưng Hà Nội lại là nơi mà cuộc “khủng hoảng” diễn ra trầm trọng nhất.
Cụ thể, sau khi Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-03V (Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) bị dừng hoạt động vào sáng 7/3, toàn TP. Hà Nội với hơn 1,8 triệu xe ô tô, trong đó trên 160.000 xe đăng ký kinh doanh vận tải, chỉ còn 7/31 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới hoạt động.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại TP.HCM - trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất cả nước.
Sự thiếu hụt nghiêm trọng các trung tâm đăng kiểm khiến rất nhiều người dân phải mòn mỏi chờ chực đợi đến lượt kiểm định xe hoặc chấp nhập đưa xe về địa phương lân cận để kiểm định trong nỗi phấp phỏng về việc trung tâm đăng kiểm có thể bị dừng hoạt động bất cứ lúc nào. Trên thực tế, nguy cơ ngừng hoạt động có thể xảy ra với bất kỳ trung tâm đăng kiểm nào do vụ án "Đưa hối lộ; nhận hối lộ; môi giới hối lộ; giả mạo trong công tác" tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm đang trong giai đoạn điều tra.
Tình trạng ùn tắc nghiêm trọng phương tiện khi đi kiểm định đã, đang và sẽ ảnh hưởng bất lợi tới nhu cầu thiết thực của người dân, doanh nghiệp, gây tổn hại nặng nề đến kinh tế - xã hội.
Tính riêng tại Hà Nội, nếu năng lực đăng kiểm trong những tháng tiếp theo vẫn dừng ở mức 40%, thì lượng xe phải nằm bãi sẽ tương ứng 45.000 xe trong tháng 3; khoảng 50.000 xe trong tháng 4, trên 52.000 xe trong tháng 5 và hơn 55.000 xe trong tháng 6/2023.
Đối với xe cá nhân, người dân có thể sử dụng loại hình phương tiện giao thông khác, nhưng với khoảng 4% là xe kinh doanh vận tải, nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời, thì sẽ có hàng vạn xe không thể tham gia hoạt động, dẫn đến gián đoạn dây chuyền hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để khắc phục tình trạng ùn tắc trong kiểm định, vừa qua, Bộ Giao thông - Vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phối hợp với các địa phương đưa ra nhiều giải pháp, như tăng giờ làm, điều thêm đăng kiểm viên cho các trung tâm, ứng dụng công nghệ hỗ trợ chủ xe đi kiểm định, khuyến cáo chủ xe đi kiểm định ở địa phương lân cận…
Song tất cả giải pháp trên chỉ mang tính chất tình thế, vì sức người có hạn và có thể phát sinh nhiều hệ lụy như tổn thất về thời gian, chi phí vì phải di chuyển xa... Chính vì vậy, cần thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn trong hoạt động đăng kiểm, đánh giá đúng tính chất, mức độ nghiêm trọng của vấn đề để có giải pháp khả thi hơn, thay vì phó mặc người dân, doanh nghiệp tự xoay xở.
Trước mắt, ngoài việc bổ sung nhân sự, các cơ quan chức năng có thể tính đến giải pháp cấp bách là giãn chu kỳ đăng kiểm từ 6 tháng lên 12 tháng đối với xe gia đình dưới 9 chỗ, đã qua sử dụng trên 12 năm, nhưng không tham gia kinh doanh; từ 6 tháng lên 8 tháng trong trường hợp xe gia đình có tham gia kinh doanh. Với những xe mới sản xuất cũng nên giãn thời gian đăng kiểm lần tiếp theo. Ngoài ra, có thể xem xét chu kỳ đăng kiểm dựa trên số km đã đi với từng loại xe. Đặc biệt, có thể xem xét, nghiên cứu áp dụng đăng kiểm theo chu kỳ mỗi năm một lần với tất cả xe ô tô trên cơ sở tham khảo quy định tại những nước tiên tiến.
Cùng với những giải pháp nêu trên, Bộ Giao thông - Vận tải cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, công an các địa phương đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý sai phạm liên quan, để sớm ổn định hoạt động đăng kiểm - lĩnh vực kỹ thuật chuyên ngành, nhưng có tính xã hội rất cao này, trên tinh thần đảm bảo quyền lợi của người dân và toàn xã hội.