Y tế - Sức khỏe
Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
D.Ngân - 29/11/2024 15:19
Hà Nội sẽ xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, thậm chí đình chỉ hoạt động nếu không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm.

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 344/KH-UBND nhằm triển khai Chỉ thị 38/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

Cơ quan chức năng đang kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm.

Kế hoạch nhấn mạnh các biện pháp quản lý, nâng cao nhận thức cộng đồng và tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của người dân Thủ đô.

UBND TP.Hà Nội đã phát động Kế hoạch số 344/KH-UBND để thực thi Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 11/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung vào việc tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Kế hoạch hướng đến việc thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, từ phát hiện sớm đến hạn chế tối đa hậu quả, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Đồng thời, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, kêu gọi sự tham gia tích cực của cộng đồng, và đẩy mạnh nhận thức về an toàn thực phẩm.

Thành phố yêu cầu các cấp chính quyền tăng cường vai trò lãnh đạo, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm. Các đội điều tra và xử trí ngộ độc thực phẩm sẽ được kiện toàn để xử lý kịp thời mọi sự cố.

Ngoài ra, các sở, ngành, đoàn thể, và cộng đồng cần phối hợp chặt chẽ trong việc phòng ngừa và xử lý ngộ độc. Đặc biệt, thành phố đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực để tăng cường năng lực xử lý sự cố.

Hà Nội sẽ triển khai các chiến dịch truyền thông về an toàn thực phẩm, tổ chức hội nghị, hội thảo và các chương trình sân khấu hóa tại bếp ăn tập thể trường học, cơ quan, doanh nghiệp.

Đồng thời, thành phố yêu cầu thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt chú ý đến các nhóm thực phẩm có nguy cơ cao.

“Các cơ sở vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí đình chỉ hoạt động nếu không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm. Các hành vi vi phạm sẽ được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để răn đe”, UBND thành phố khẳng định.

Trong trường hợp xảy ra ngộ độc, UBND quận, huyện, xã phải chỉ đạo xử trí toàn diện, từ cấp cứu, điều trị đến khắc phục môi trường và điều tra nguyên nhân.

Các đơn vị y tế tại địa phương phối hợp với cơ quan pháp y, công an và các ngành liên quan để xử lý nghiêm minh, đặc biệt là các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Thành phố yêu cầu kịp thời đình chỉ và thu hồi thực phẩm bị nhiễm độc, đồng thời điều tra nguyên nhân để đảm bảo an toàn lâu dài.

Sở Y tế Hà Nội được giao nhiệm vụ tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực và diễn tập ứng phó với các sự cố. Các sở như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Giáo dục, và Sở Thông tin Truyền thông sẽ phối hợp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về thực phẩm an toàn.

Công an TP.Hà Nội cũng tham gia tích cực trong việc đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Các hành vi nhập lậu, tàng trữ, buôn bán thực phẩm giả, kém chất lượng sẽ bị xử lý nghiêm khắc, thậm chí khởi tố nếu vi phạm nghiêm trọng.

Kế hoạch này là bước đi quan trọng để Hà Nội bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo an toàn thực phẩm. Thành phố kêu gọi sự chung tay của toàn bộ hệ thống chính quyền, các tổ chức và người dân để cùng thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra.

Theo thông lệ, vào những tháng cuối năm, thị trường thực phẩm lại sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ, Tết.

Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao cũng kéo theo nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Nếu không kiểm soát tốt, tình trạng mất an toàn thực phẩm sẽ diễn biến phức tạp.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, trong tháng 10/2024, cả nước ghi nhận 10 vụ ngộ độc thực phẩm, với 183 người bị ảnh hưởng, trong đó có 1 người tử vong. Tính chung 10 tháng của năm 2024, cả nước xảy ra 99 vụ ngộ độc với 3.561 người bị nhiễm độc, trong đó có 12 trường hợp tử vong.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã kiểm tra 5.820 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố từ đầu năm 2024, bao gồm các cơ sở tại lễ hội, hội chợ, khu du lịch và các điểm công cộng.

Kết quả kiểm tra cho thấy, có 83,7% cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, hơn 16% vi phạm quy định và bị xử phạt. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng kiểm tra 35.146 lượt cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố, với 84,5% đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Những cơ sở vi phạm đã bị nhắc nhở và xử phạt.

Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, Thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm, trong đó ngành y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Cơ quan chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và bếp ăn tập thể.

“Hà Nội cam kết ngăn chặn việc lưu thông các sản phẩm không an toàn, yêu cầu các cơ sở kinh doanh phải có biện pháp khắc phục nếu muốn tiếp tục hoạt động. Thành phố cũng sẽ công khai thông tin về các cơ không đạt yêu cầu an toàn thực phẩm trên các phương tiện truyền thông để người dân biết và lựa chọn thực phẩm an toàn”, ông Phong khẳng định.

Tương tự, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội thông tin, những tháng cuối năm, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra các “điểm nóng” về gian lận thương mại, đặc biệt chú trọng đến việc buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên các nền tảng thương mại điện tử, lĩnh vực đang gây nhiều lo ngại về sự khó kiểm soát.

Tin liên quan
Tin khác