Ngân hàng - Bảo hiểm
Xử lý nợ xấu mới dừng ở làm đẹp trên sổ sách
Thùy Vinh - 16/03/2016 10:04
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc xử lý nợ xấu trong năm 2016 còn nhiều khó khăn và chưa thể kỳ vọng sự phục hồi của thị trường bất động sản hồi phục sẽ đẩy nhanh xử lý nợ.

Nợ xấu toàn ngành được đưa về 3% cuối năm 2015 có là thông tin lạc quan với các ngân hàng, thưa ông?

Mục tiêu đưa nợ xấu toàn ngành ngân hàng về 3% đã được hiện thực hóa vào cuối năm 2015 và dường như việc này không quá khó đối với các nhà băng. Tuy nhiên, đó chỉ mới là làm đẹp trên sổ sách, còn thực tế, nợ xấu vẫn chưa được giải quyết và quá trình xử lý khá chậm chạp.

Đâu là rào cản lớn nhất trong xử lý nợ xấu hiện nay?

Việc giải chấp tài sản đảm bảo thu hồi nợ của Việt Nam vẫn là bài toán nan giải cho các ngân hàng trong việc xử lý, thu hồi nợ vay. Mặc dù trong hợp đồng tín dụng hiện nay có thể hiện rằng, khi khoản nợ xuống vùng bị khoanh nợ xấu, thì các ngân hàng có quyền giải chấp tài sản thu hồi nợ, nhưng quá trình giải chấp lại phụ thuộc vào tòa án và đòi hỏi có sự thỏa thuận của khách hàng. Chính điều này làm mất khá nhiều thời gian cũng như gây trở ngại lớn trong quá trình thu hồi nợ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Thị trường mua - bán nợ khi ra đời có giải quyết được vướng mắc trên không?

Kể cả khi xây dựng được một sân chơi, sàn hoặc thị trường mua - bán nợ, nhưng nếu việc giải chấp vẫn phải qua tòa án, thì vẫn khó có thể giải quyết được triệt để những khó khăn nói trên. Mặt khác, các khoản nợ xấu được giải chấp, bán lại cũng đòi hỏi phải hy sinh về giá so với giá gốc ban đầu cũng như giá sau thẩm định. Việc thành lập thị trường mua - bán nợ phải tính đến điều này, bởi để các nhà đầu tư tham gia mua - bán nợ thì giá bán phải đủ hấp dẫn.

Có nên kỳ vọng việc bất động sản ấm lên sẽ tác động tích cực đến giải chấp tài sản?

Thị trường bất động sản tăng là điều kiện không chỉ cho ngân hàng tăng trưởng tín dụng, mà còn thúc đẩy thu hồi nợ xấu khi các giao dịch về giải chấp có thể được thực hiện nhanh hơn.

Tuy nhiên, tín dụng bất động sản đang dần phải “siết” lại khi Ngân hàng Nhà nước đang có dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống còn 40% và nâng hệ số rủi ro các khoản phải đòi bất động sản từ 150% lên 250%. Vì vậy, thời gian tới sẽ có những khó khăn nhất định với bất động sản, nên cũng không thể kỳ vọng vào việc bất động sản ấm lên để đẩy mạnh xử lý nợ trong năm nay, mà đòi hỏi các ngân hàng phải kiểm soát chặt tín dụng để hạn chế nợ xấu mới phát sinh.

Dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN sẽ tác động ra sao đến bất động sản, thưa ông?

Thị trường bất động sản sẽ khó tránh bị ảnh hưởng khi các ngân hàng phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn và nâng hệ số rủi ro các khoản phải đòi bất động sản. Tuy nhiên, theo tôi, điều đó là cần thiết để đảm bảo rủi ro trong cho vay, nhất là bất động sản, bởi nếu sử dụng vốn ngắn hạn với tỷ lệ quá cao để cho vay trung, dài hạn sẽ khó tránh rủi ro thanh khoản cũng như nợ xấu trong lĩnh vực địa ốc.

Tin liên quan
Tin khác