Ngân hàng - Bảo hiểm
Xử lý nợ xấu: Ngân hàng lo “hấp hối mới được gọi bác sĩ”
T.L - 17/05/2023 14:44
Muốn thành lập công ty mua bán nợ trực thuộc (AMC) để xử lý nợ xấu song theo quy định hiện hành, ngân hàng chỉ được thành lập AMC khi nợ xấu trên 3%. Quy định này được ví như “hấp hối mới được gọi bác sĩ”.

Nợ xấu đang tăng nhanh và vẫn tiếp tục tăng trong khi hành lang pháp lý xử lý nợ xấu còn quá nhiều vướng mắc là vấn đề nhức nhối hiện nay.

Mặc dù dự thảo Luật các tổ chức tín dụng đã bổ sung một chương về xử lý nợ xấu song theo các chuyên gia, điều này cũng chỉ có ý nghĩa tương tự như gia hạn thêm Nghị quyết 42/2017/QH14. Thực tế, xử lý nợ xấu vẫn còn gặp nhiều vướng mắc mà dự thảo luật chưa đề cập tới.

Phát biểu tại Hội thảo "Vấn đề xử lý nợ xấu trong Luật Các TCTD (sửa đổi)" tổ chức sáng nay, 17/5, nhằm góp ý, nâng cao chất lượng của Dự thảo Luật các TCTD sửa đổi, đặc biệt hành lang pháp lý cho vấn đề xử lý nợ xấu, ông Lê Thanh Quý Ngọc, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho hay, cùng với cho vay, xử lý nợ xấu là một phần công việc của ngân hàng.

Tuy nhiên, xử lý nợ xấu là hoạt động chuyên biệt, cần nhiều nguồn lực, năng lực có chuyên môn để xử lý. Và các công ty quản lý nợ,  khai thác tài sản (AMC) là một trong số đó. Các công ty AMC có năng lực tốt có thể hỗ trợ xử lý nợ xấu cho nhiều TCTD, cho toàn ngành chứ không phải chỉ riêng cho TCTD sở hữu. Tuy nhiên, hiện chỉ một số ngân hàng có công ty AMC, trong khi việc thành lập AMC tại một vài TCTD khác đang gặp vướng mắc, bao gồm cả quy định về điều kiện xin cấp phép. Trong khi đó, theo quy định, ngân hàng muốn lập Công ty AMC thì nợ xấu phải trên 3%.

Bình luận về quy định này, một số chuyên gia cho rằng, nếu để nợ xấu trên 3% mới được lập công ty AMC thì không khác gì để hấp hối mới được gọi bác sĩ. 

Bên cạnh nội dung trên, nhiều ngân hàng cũng phản ánh vướng mắc liên quan đến thực hiện Nghị quyết 42 như thủ tục rút gọn, tài sản đảm bảo liên quan tới các vụ án, định giá nợ xấu…

Sau hơn 5 năm ban hành Nghị quyết 42, tòa án các cấp vẫn chưa áp dụng được thủ tục rút gọn với bất kỳ trường hợp nào dù hồ sơ đề nghị từ phía ngân hàng rất nhiều.

Tuy vậy, ngay cả với thủ tục thông thường, ngân hàng cũng chật vật trong xử lý nợ xấu. Ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc Thường trực Ngân hàng ACB cho hay, thời gian gần đây, các tranh chấp rất đời thường có xu hướng phát sinh, ví dụ: tranh chấp giữ chủ cũ và chủ mới, tranh chấp giữ bên tặng và bên nhận, tranh chấp do tài sản đã được mang đi thế chấp nhưng chủ tài sản lại bán vi bằng cho người khác… Rất nhiều đối tượng đang lợi dụng quy định về tranh chấp để trì hoãn việc xử lý nợ xấu của ngân hàng.

Đặc biệt, các ngân hàng đang đứng trước rủi ro lớn vì hàng loạt hợp đồng thế chấp có nguy cơ bị tuyên vô hiệu. Cụ thể, tháng 8/2021, TAND tối cao ban hành công văn số 02 giải đáp các vướng mắc cho các TCTD về bên thứ 3 có ngay tình hay không và xử lý hợp đồng thế chấp vô hiệu hay không. Khi có những tranh chấp thì tòa sẽ thẩm định tại chỗ. Trong trường hợp có người khai bất lợi cho các TCTD và có đơn yêu cầu thì khả năng cao tòa tuyên vô hiệu rất cao.

Thực tế, ngân hàng khi nhận tài sản thế chấp đều được thực thi theo đúng quy định pháp luật. Tài sản trong lúc thế chấp có sự thay đổi nhưng trong thỏa thuận ngay từ đầu với khách hàng, quy định quyền xử lý tài sản trên đất đều thuộc về ngân hàng. Song thực tế, ngân hàng chỉ được phát mãi quyền sử dụng đất mà không thể xử lý tài sản trên đất phát sinh.   

Việc định giá nợ xấu để bán cũng rất khó khăn với các ngân hàng. Ông Phạm Văn Phòng, Phó giám đốc Khối quản lý rủi ro Ngân hàng Quân đội cho hay, hiện nay về mặt thị trường mua bán nợ, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn về mặt định giá tài sản đảm bảo và định giá doanh nghiệp song chưa có hướng dẫn định giá khoản nợ. Mặc dù giao cho ngân hàng tự xây dựng định giá khoản nợ, nhưng các ngân hàng không dám. Hơn nữa, việc tự định giá khoản nợ như vậy cũng không đúng theo chuẩn mực quốc tế và thị trường.

“Thậm chí ngân hàng có những khoản nợ bán đến 30 phiên nhưng không có khách quan tâm. Bán đấu giá bán nợ cũng là biện pháp ưu tiên cuối cùng khi các biện pháp khác không xong”, ông Phòng cho biết.

Tin liên quan
Tin khác