Xử lý nợ xấu phải bằng nhiều giải pháp đồng bộ, từ nhận thức, đến cơ chế; từ phát hiện, đánh giá, đến ngăn ngừa; từ đúc kết kinh nghiệm bên trong lẫn tham khảo học hỏi kinh nghiệm bên ngoài… Nhưng trong tất cả các giải pháp không thể không có giải pháp về nguồn tài chính để hỗ trợ ngân hàng xử lý nợ xấu. Chưa có tiền lệ lịch sử nào cả trong và ngoài nước, từ xưa đến nay, mà việc xử lý nợ xấu – đã đến mức báo động – lại không cần đến tiền, mà phải là tiền công quỹ.
Ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. |
Quốc hội hầu như đồng thuận khi thảo luận Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu (dự kiến sẽ thông qua trong kỳ họp này) rằng "không dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu”.
Nếu hiểu “tiền ngân sách” ở đây là nói theo nghĩa hẹp, nghĩa là tiền này “không nằm trong các khoản dự thu, dự chi cho ngân sách hàng năm” đã và sẽ được Quốc hội thông qua (vì nợ xấu sẽ phải giải quyết xong trong vòng 5 năm chẳng hạn) thì cũng còn “xoay xở” được. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa là “tiền thu – chi ngân sách trực tiếp và gián tiếp”, rộng hơn nữa là “tiền của công quỹ, là tài sản của quốc gia” … thì rất khó xử lý, bởi không tìm đâu ra nguồn tài chính như vậy.
Các ngân hàng hiện đang xử lý nợ xấu bằng cách “gián tiếp” lấy tiền ngân sách, khi tăng trích lập thêm các khoản dự phòng rủi ro nhiều hơn mức bình thường (khi nợ xấu còn ở giới hạn hợp lý) đưa vào chi phí; giảm, giãn, xóa nợ cho một số khoản vay… để ngân hàng có thể tồn tại và hoạt động được. Lợi nhuận và do đó khoản thuế nộp cho ngân sách, cả phần cổ tức của Nhà nước thu được từ các ngân hàng TMCP Nhà nước, bị giảm bớt so với dự toán thu chi trình Quốc hội hoặc không đưa vào con số trình Quốc hội. Điều này chắc chắn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, thậm chí với mức độ lớn hơn, nếu thực hiện quyết liệt hơn Nghị quyết xử lý nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã buộc phải tăng thêm lượng tiền cho vay tái cấp vốn, với thời gian dài, để hỗ trợ những ngân hàng yếu kém, có nguy cơ đổ vỡ. Phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu về cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), và người bán nợ có thể dùng trái phiếu đặc biệt này để vay tái chiết khấu từ Ngân hàng Nhà nước, cũng là một phương thức phát hành tiền để xử lý nợ xấu. Khoản tiền tái cấp vốn vượt quá mức thông thường của nhu cầu điều tiết lượng tiền cung ứng mà nền kinh tế đòi hỏi, ngay cả có thể thu hồi lại được khi đến hạn hoặc sau nhiều lần gia hạn, vẫn là một kênh góp phần gây nên “lạm phát” (không phải bỗng dưng mà ở Việt Nam mức lạm phát bình quân hàng năm vẫn cao hơn tương đối so với các nước trong khu vực, như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore…). Mà lạm phát, xét về bản chất, là một thứ thuế đánh vào nền kinh tế, vào xã hội, mà người gánh chịu nhiều nhất là những người có thu nhập cố định bằng tiền. Tăng nguồn cho vay tái cấp vốn cho mục đích góp phần xử lý nợ xấu như đã làm vừa qua và sẽ còn phải làm tới đây có phải là gián tiếp đánh thuế, gián tiếp lấy của ngân sách, và do đó phải chấm dứt hay không?
Đã có những khuyến nghị nên bán bớt tài sản Nhà nước không cần nắm giữ, cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước… để lấy tiền xử lý nợ xấu. Chưa nói đề xuất như vậy có gì đúng, sai, hay, dở. Chỉ bàn về nguyên tắc hạch toán tài sản quốc gia. Chẳng lẽ những khoản thu được từ việc này lại không đưa vào phần thu ngân sách, và việc chi số tiền đó cũng để ngoài dự toán chi ngân sách hay sao? Chỉ riêng nguyên tắc không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu đã bác bỏ đề xuất này, mặc dù phải thừa nhận là rất nên cân nhắc một cách nghiêm túc ý tưởng nói trên.
Một số người kiến nghị nên mạnh dạn đi vay nước ngoài, thông qua Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hoặc các định chế tài chính khác, như các nước Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia… đã làm để có nguồn xử lý nợ xấu thời kỳ khủng hoảng tài chính khu vực 1997 – 1998. Đương nhiên phải cân nhắc kỹ cái giá phải trả về chính trị, kinh tế, xã hội, về chủ quyền quốc gia…, nhưng ít nhất nếu để vay được thì Nhà nước - đại diện là Chính phủ - phải là người vay nợ. Chẳng lẽ các khoản thu và chi liên quan đến khoản nợ này không hạch toán vào thu - chi ngân sách, vào nợ Chính phủ? Thế là vi phạm nguyên tắc rồi, khỏi phải bàn.
Cũng đã có không ít sáng kiến về vay nợ trong nước thông qua phát hành trái phiếu huy động ngoại tệ và/hoặc phát hành chứng chỉ vàng để huy động ngoại tệ và vàng đang nằm trong dân, để có nguồn xử lý nợ xấu. Nguồn này không nhỏ, nếu có lãi suất và cơ chế hợp lý thì vẫn có thể huy động được. Những lo ngại về vàng hóa hay đô la hóa cũng có thể hạn chế ở mức thấp. Vấn đề là ở chỗ ai phát hành trái phiếu hoặc chứng chỉ. Nếu Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước (hoặc Bộ Tài chính) thì nguồn huy động được có phải là nợ công hay không? Có hạch toán vào ngân sách hay không? Hay được phép để ngoài ngân sách? Có vẻ làm như thế là không ổn.
Nhưng nếu Chính phủ hay cơ quan được Chính phủ ủy quyền không đứng ra vay thì làm sao mà dân tin để mua trái phiếu hoặc chứng chỉ? Để cho từng ngân hàng thương mại tự huy động, thì tính khả thi sẽ thấp. Ngân hàng tốt, dân tin thì không có nhu cầu huy động để xử lý nợ xấu (mà để kinh doanh thì chưa được phép hoặc không thuộc phạm vi bàn ở đây). Còn ngân hàng có nhiều nợ xấu thì chắc là dân không mua, hoặc để họ mua thì phải trả lãi suất quá cao mà vẫn không đủ. Nếu Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước bảo lãnh phát hành thì đó lại trở thành nợ công, trực tiếp hoặc gián tiếp phải coi là nguồn thu – chi ngân sách hoặc có tính chất ngân sách.
Nói tóm lại, giải pháp mà các cơ quan Chính phủ - nhất là Ngân hàng Nhà nước - có thể lách được để huy động nguồn tài chính thích hợp nhằm hỗ trợ xử lý nợ xấu trong thời gian tới, với ngôn từ Dự thảo Nghị quyết là “không dùng nguồn ngân sách” là quá hẹp, nếu không nói là không có cửa đó. Nếu lách được ít nhiều mà lại để xảy ra rủi ro, tổn thất khó tránh khỏi, khi đó sẽ không khó để quy trách nhiệm và xử lý, bởi nói cho cùng thì chưa ai nghĩ ra được sẽ có nguồn tài chính cho xử lý nợ xấu mà nguồn đó lại không phải là tài chính công, không có tính chất là nguồn ngân sách quốc gia. Sẽ hợp lý hơn, dễ có lối ra hơn, là sửa Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu theo hướng: Giao Chính phủ tìm nguồn tài chính thích hợp để xử lý nợ xấu mà không tác động tiêu cực đến cân đối thu – chi ngân sách hàng năm.
Xử lý nợ xấu – đạt đến bước Quốc hội thông qua Nghị quyết – là một bước tiến lớn nhằm góp phần tháo gỡ những vướng mắc pháp lý và thể chế đang cản trở tiến trình này. Song nếu không giải quyết được vấn đề “tiền đâu” thì không khéo sẽ quay lại từ đầu - vấn đề “đầu tiên”…