Xử lý dưới góc độ Luật: Gần như vô nghĩa trên thực tế
Mặc dù tỷ trọng nợ đã xử lý rủi ro và nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) lớn, tuy nhiên, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết, công cuộc xử lý nợ gặp nhiều vướng mắc như: nhiều tài sản thế chấp cần phải bổ sung và hoàn thiện các hồ sơ; nhiều con nợ chây ỳ, thiếu hợp tác, tìm cách tẩu tán tài sản; các tòa dân sự quá tải, thủ tục phức tạp, kéo dài…
Được biết, số lượng các vụ việc của Agribank khởi kiện ra tòa án dân sự các cấp là rất lớn (6.803 vụ), việc thụ lý, giải quyết nhiều vụ án kéo dài, gây khó khăn trong việc thu hồi nợ.
Cụ thể, tranh chấp dân sự là 6.731 vụ; tranh chấp dân sự trong vụ án hình sự là 72 vụ. Giai đoạn tố tụng là 3.108 vụ, giai đoạn thi hành án là 3.695 vụ. Tổng giá trị tranh chấp là 41.763 tỷ đồng, kết quả đã giải quyết là 5.274 tỷ đồng, còn phải giải quyết là 36.489 tỷ đồng.
Lãnh đạo khối Pháp chế của VPBank chia sẻ, hiện nay, với sự quá tải của hệ thống tòa án đối với các hồ sơ khởi kiện thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng một trong những biện pháp mạnh và hiệu quả đã được pháp luật trao cho các tổ chức tín dụng để thu hồi và xử lý nợ xấu là quyền được tổ chức thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ theo quy định tại Khoản 1 Điều 63 của Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012).
Tuy nhiên, hiện nay, công tác tổ chức thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng hầu như không tự thực hiện được trên thực tế bởi có xung đột pháp luật, do quyền thu giữ này chỉ được quy định tại một Nghị định của Chính phủ.
Trong khi đó, lại vướng phải nhiều quy định khác về quyền sở hữu tài sản, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quyền lợi của người tiêu dùng, hình thức và nội dung hợp đồng, thủ tục hành chính, trách nhiệm liên quan đến tài sản và giao dịch…, được quy định trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Công chứng…
“Vì thế, quy định cụ thể, rõ ràng như tại đoạn 2, Khoản 4, Điều 58 về ‘Nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm’ của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) rằng: 'Người xử lý tài sản căn cứ nội dung đã được thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm để tiến hành xử lý tài sản bảo đảm mà không cần phải có văn bản ủy quyền xử lý tài sản của bên bảo đảm’, cũng gần như vô nghĩa trên thực tế”, lãnh đạo VPBank nói.
Ông Khánh cho biết thêm: “Một số vụ việc hình sự chưa được nhìn nhận thấu tình đạt lý, người cho vay thì bị khởi tố bắt giam, trong khi con nợ vẫn ung dung thách đố ngân hàng mà không bị khởi tố, làm cho cán bộ hoang mang, co cụm không dám ‘giải cứu’ khách hàng có khả năng phục hồi sản xuất để tạo nguồn thu nợ…”.
Nguồn lực tài chính xử lý nợ: Bài toán bất khả thi
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Fulbright cho rằng, bài toán được đặt ra là muốn xử lý nợ xấu, các ngân hàng phải trích dự phòng từ nguồn lợi nhuận làm ra, nhưng không phải ngân hàng nào cũng có đủ nguồn lực.
Trong khi đó, đề nghị dùng ngân sách hỗ trợ xử lý nợ xấu đã không nhận được sự đồng tình, song kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, không thể tái cấu trúc, xử lý nợ xấu mà không tốn tiền.
Thực tế cho thấy, xử lý nợ cần phải có nguồn lực tài chính, nhưng điều này dường như nằm ngoài bài toán xử lý nợ xấu đang được triển khai tại Agribank, bởi Ngân hàng luôn phải đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Cụ thể là các chương trình tín dụng chính sách thực hiện bằng nguồn vốn do Agribank tự cân đối, lãi suất cho vay theo quy định, Ngân hàng Nhà nước cấp bù lãi suất. Tuy nhiên, tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho vay theo các chương trình chưa được cấp bù lũy kế đến 30/4/2017 là 1.059 tỷ đồng. Theo đó, Agribank vẫn đang phải cân đối cho vay khách hàng bằng nguồn vốn kinh doanh thương mại
Trong khi đó, ông Khánh cho biết, Agribank vẫn chưa được tăng vốn điều lệ. Trước đây, Agribank là ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ trong toàn ngành, sau khi các ngân hàng khác cổ phần hóa thì Agribank lại tụt xuống đứng hàng cuối trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước.
Về vấn đề này, một mình Ngân hàng không làm được, bởi Agribank là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, việc tăng vốn điều lệ phải do Nhà nước quyết định.
“Thực tế, nhiều năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho Agribank tăng vốn, nhưng đến bây giờ vẫn còn hơn 1.000 tỷ đồng mới đủ số đã có quyết định. Trong khi theo đúng tiêu chuẩn Basel, Nhà nước phải cấp cho Agribank gần 10.000 tỷ đồng vốn điều lệ, với điều kiện ngân sách hiện nay, đây là bài toán bất khả thi”, ông Khánh nói.
Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu quan điểm: “Các cơ quan chức năng cũng cần có những động thái hỗ trợ. Trước mắt, hãy để các ngân hàng chỉ làm sứ mệnh của hệ thống ngân hàng, đừng giao quá nhiều nhiệm vụ mang tính chất chính trị-xã hội. Nếu có thì đó phải phục vụ lợi ích kinh doanh, phát sinh từ những nhiệm vụ kinh doanh tự nhiên. Chỉ có như vậy, hệ thống ngân hàng mới lớn lên được…”.