Theo Báo cáo về Công tác phòng chống tham nhũng năm 2013, được Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày trước Quốc hội hôm qua (22/10), từ đầu năm đến nay, tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 278 vụ với 584 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó, tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2% (giảm 2% so với năm 2012); số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm trên 30%, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2012.
| ||
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, có tình trạng lạm dụng kỷ luật hành chính trong xử lý tham nhũng |
“Một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đã được xét xử kịp thời. Việc xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hậu quả đã thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật với loại tội phạm tham nhũng”, ông Tranh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tổng hợp ý kiến của cử tri gửi Quốc hội từ Kỳ họp thứ 5 đến nay, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cử tri cho rằng, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng nhiều nơi thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp.
“Việc xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, vẫn còn tình trạng lạm dụng xử lý kỷ luật hành chính để không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án, bị can, bỏ lọt tội phạm”, ông Nhân nêu tiếng nói của cử tri phản ánh đến Quốc hội.
Đánh giá cao một số kết quả đạt được trên mặt trận chống tham nhũng, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Hiện vẫn thẳng thắn nhìn nhận, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm.
Theo ông Hiện, công tác hoàn thiện thể chế vẫn chậm và còn bất cập; công tác phát hiện tham nhũng còn yếu, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang xảy ra.
“Thực tế cho thấy, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa song tham nhũng vẫn chưa có dấu hiệu giảm mà ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Một số biện pháp còn chậm được triển khai hoặc hiệu quả chưa cao, như thủ tục hành chính vẫn rườm rà, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức lợi dụng để nhũng nhiễu, gây phiền hà, để đòi hối lộ”, ông Hiện phát biểu.
Ý kiến - nhận định Biển thủ cả tiền của người nghèo. Bà Nguyễn Thị Doan, Phó chủ tịch nước Tôi rất đau lòng khi nghe ở nơi này, nơi kia, người ta biển thủ cả tiền của người nghèo. Đáng tiếc là tình trạng này không phải là hiếm, nhưng vì sao chỉ khi các cơ quan báo chí điều tra, viết bài, thì cơ quan cấp trên mới biết, nếu không có sự bao che, dung túng. Tất cả những người được Nhà nước mua hoặc hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế đều là người nghèo, có thể nói là rất nghèo. Những người này khi phải đi bệnh viện thường bị phân biệt đối xử với những người trả “tiền tươi thóc thật”. Vì sao vậy, nếu không phải là do không “ăn được” của người nghèo, nên nhân viên y tế gây khó dễ với họ. Chắc chắn có tình trạng xử lý nương nhẹ. Ông Nguyễn Hải Phong, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hỏi: “Trong cơ quan phòng chống tham nhũng các cấp có tiêu cực không?”. Tôi chưa thể trả lời được là có hay không, bởi cho đến nay, qua công tác điều tra, giám sát, chưa phát hiện ra trường hợp nào tiêu cực. Nhưng chắc chắn là có tình trạng xử lý nương nhẹ đối với tội phạm tham nhũng. Người có thể tham nhũng đều là cán bộ, công chức, viên chức có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu. Vì vậy, không thể lấy tiêu chí nhân thân tốt, phạm tội lần đầu để xét giảm án đối với tội phạm tham nhũng. Để nâng tính răn đe đối với loại tội phạm này, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị không cho hưởng án treo với tội phạm tham nhũng. |
Hàn Tín