Điểm nóng
Xử lý thế nào với 52.000 ha đất lâm nghiệp ở Lâm Đồng “thoát xác” thành đất nông nghiệp
Nhiệt Băng - 27/07/2022 16:45
Phương án xử lý 52.000 ha đang sản xuất nông nghiệp, đưa ra khỏi quy hoạch đất lâm nghiệp của Lâm Đồng được Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị làm rõ.
Tình trạng người dân sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp diễn ra khá phổ ở Lâm Đồng. Ảnh: Nhiệt Băng

Đoàn giám sát của Quốc hội do ông Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn vừa đề nghị tỉnh Lâm Đồng làm rõ việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên rừng, trong đó có phương án xử lý 52.000 ha đang sản xuất nông nghiệp, đưa ra khỏi quy hoạch đất lâm nghiệp.

“Với phương án xử lý 52.000 ha này, phải đánh giá rất rõ hiệu quả thế nào khi đưa ra khỏi quy hoạch đất lâm nghiệp, phải đánh giá có lãng phí, tiêu cực trong đất đai không. Có thể lãng phí là có”, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đặt vấn đề.

Liên quan đến nọi dung này, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, đây là vấn đề của cả vùng Tây Nguyên, liên quan đến gần 400.000 ha và tác động tới 1 triệu dân về nông nghiệp, chứ không chỉ là câu chuyện 52.000 ha của Lâm Đồng.

"Người dân đã sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp trước khi chúng ta quy hoạch đất lâm nghiệp. Đây là thực tế, nếu không giải quyết căn cơ thì rất khó”, ông Hiệp chia sẻ.

Đoàn giám sát của Quốc hội cũng đề nghị tăng cường thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài chính khi trong giai đoạn này, tỉnh đã thu hồi 501 ha đất qua thanh tra, kiểm tra; kiến nghị xử lý hành chính hơn 200 tổ chức và hơn 300 cá nhân vi phạm.

Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội cũng đề nghị cần xem xét có hay không tình trạng chấp hành không nghiêm kỷ luật, kỷ cương ngân sách.

Ông Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội rằng: “Vấn đề thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý thì Lâm Đồng làm cũng nhiều, nhưng tự phát hiện vi phạm của mình hơi ít, chủ yếu do đơn khiếu kiện, dư luận, báo chí thì mới làm. Đương nhiên cũng còn những vướng mắc, tồn tại tránh không khỏi, quan trọng là có dũng cảm nhìn ra không, mà các đồng chí đã dũng cảm rồi thì cố gắng dũng cảm hơn để sửa”.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Lâm Đồng tháo gỡ việc giao đất kéo dài ngoài diện tích đất ở để tránh lãng phí; báo cáo làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm người đứng đầu và có kiến nghị cụ thể hoàn thiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tin liên quan
Tin khác