Y tế - Sức khỏe
Xử phạt nhiều doanh nghiệp vì quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc
D.Ngân - 14/04/2022 16:18
Cục An toàn thực phẩm vừa ban hành các quyết định xử phạt vi phạm của doanh nghiệp quảng cáo “nổ” thực phẩm chức năng.

Cục An toàn thực phẩm cập nhật thông tin xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đến ngày 12/4/2022 đối với các cơ sở, với tổng số tiền xử phạt là 300 triệu đồng.

Cục An toàn thực phẩm vừa ban hành các quyết định xử phạt vi phạm của doanh nghiệp quảng cáo “nổ” thực phẩm chức năng.

Công ty TNHH MTV dược phẩm Y tế Quốc tế MEDISTAR (địa chỉ: Thôn Trung Tiến, xã Thuỵ Hương, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội) bị xử phạt 90 triệu đồng.

Hành vi vi phạm của doanh nghiệp là tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật. Cụ thể, doanh nghiệp tự công bố sản phẩm viên uống bổ phổi Lung Detox trong khi sản phẩm này thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

Công ty cổ phần Dược Phẩm Hoàng Hường (địa chỉ: Tầng 6, số 36, Nguyễn Hoàng, Phường Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) bị phạt 65 triệu đồng về hành vi vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên xương khớp Hoàng Hường.

Sản phẩm được quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo mà không có hoặc ghi không đúng hoặc không đọc rõ hoặc không thể hiện trong quảng cáo khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Công ty cổ phần Thiên Dược Sơn (địa chỉ: số 7 Ngách 88, ngõ 151B Thái Hà, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) bị phạt 50 triệu đồng về hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lavenda plus. Lý do là quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh).

Công ty cổ phần Thương mại quốc tế Đại Lâm Mộc (địa chỉ: 09-LK1, khu nhà ở 90 Nguyễn Tuân, số 90 đường Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) với mức phạt 45 triệu đồng về hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên uống tố nữ Mộc Beauty.  Lý do là quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Cùng với hình thức phạt tiền, các cơ sở bị xử phạt về quảng cáo phải tháo gỡ, tháo dỡ, xóa nội dung quảng cáo vi phạm; cơ sở vi phạm về tự công bố sản phẩm phải thu hồi sản phẩm và thu hồi Bản tự công bố sản phẩm vi phạm.

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, vừa qua, qua rà soát trên các phương tiện như báo, đài, các trang mạng xã hội, hoặc nhận thông tin từ các phóng viên, người tiêu dùng, có đến 197 trường hợp vi phạm quy định về quảng cáo.

Trong đó, năm 2020, Cục đã xử phạt vi phạm về quảng cáo 48 cơ sở, với tổng số tiền phạt là hơn 2,2 tỷ đồng. Còn trong năm 2021, Cục cũng đã xử phạt vi phạm về quảng cáo 28 cơ sở, với tổng số tiền phạt trên 1,5 tỷ đồng.

Đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng cho biết thêm, với những trường hợp bị xử phạt, Cục đã có bài cảnh báo trên website của đơn vị và thông báo cho các cơ quan báo chí đăng tin. Trong đó, theo thống kê trên website có tên miền vfa.gov.vn, có 246 bài cảnh báo được đăng tải.

Đồng thời, Cục An toàn thực phẩm đã chuyển sang Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông) 375 đường link, trong đó có 67 đường link facebook. Cục An toàn thực phẩm cũng chuyển các đường link cho đầu mối liên lạc của facebook tại Việt Nam để đề nghị tháo gỡ, đóng các quảng cáo vi phạm.

Ngoài ra, cũng đã có 24 đường link của sàn giao dịch thương mại điện tử quảng cáo vi phạm được Cục An toàn thực phẩm chuyển cho Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) để xem xét, xử lý theo quy định hiện hành.

Tin liên quan
Tin khác