Tiêu dùng
Xuất khẩu 2022 vẫn trông chờ "ngôi vương quán quân" điện thoại
Thế Hoàng - 23/02/2022 07:36
Để đạt kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 6-8% trong năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam đặt hy vọng vào điện thoại, ngành hàng mà 3 năm gần nhất, đều đóng góp trên 50 tỷ USD/năm.

Liên tục giữ ngôi quán quân

Nhiều năm liên tiếp, điện thoại, linh kiện giữ ngôi quán quân trong số các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước. Vì vậy, để về đích với mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng 6-8% trong năm nay, không thể không trông đợi vào ngành hàng mang về doanh thu xuất khẩu khủng này.

Năm ngoái, dù khó khăn do đại dịch, nhưng xuất khẩu điện thoại và linh kiện tiếp tục tăng trưởng 2 con số, đạt gần 58 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2020, trong đó các thị trường có quy mô hàng chục tỷ USD như Mỹ, Trung Quốc đều tăng nhập điện thoại từ Việt Nam.

Điện thoại từ Việt Nam đã xuất đi hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trung Quốc là thị trường chính, dẫn đầu tiêu thụ nhóm sản phẩm này. Cụ thể, xuất khẩu nhóm hàng này sang Trung Quốc đạt 15,18 tỷ USD, tăng 23%; sang Mỹ đạt 9,69 tỷ USD, tăng 10,3%; riêng xuất sang EU (27 nước) giảm 9,1%, đạt 7,89 tỷ USD.

Xuất khẩu điện thoại và linh kiện có giá trị lớn nhất trong tháng đầu năm 2022, đạt 4 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 34,4% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù đây là tháng đầu của năm 2022, nhưng lại là tháng cuối của năm âm lịch, là dịp sát kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, nên số ngày làm việc của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong tháng này chỉ là 24 ngày.

Ngoài ra, tại một số địa phương đã ban hành quy định người dân từ các vùng dịch về quê ăn Tết phải cách ly 7 ngày, nên nhiều công nhân tại các nhà máy, khu công nghiệp đã xin nghỉ làm trước Tết khoảng 7-10 ngày để kịp thực hiện cách ly khi về quê ăn Tết. Do đó, số ngày làm việc thực tế của các công nhân này trong tháng 1/2022 chỉ khoảng 15 ngày.

Nguồn: Bộ Công thương

Điện thoại có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Nếu như năm 2010, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện mới chỉ chiếm 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (3,4 tỷ USD), thì đến năm 2016 chiếm 19,5%, gấp 6 lần tỷ trọng của năm 2010 và luôn duy trì mức trên dưới 20% từ đó đến nay.

Ba năm gần đây nhất, từ 2019 đến 2021, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đều vượt 50 tỷ USD, lần lượt là 51,374 tỷ USD, 51,184 tỷ USD và 57,54 tỷ USD. Duy chỉ năm 2020, xuất khẩu sụt giảm nhẹ 0,4% so với 2019, do ảnh hưởng của năm đại dịch Covid-19 đầu tiên.

Với giá trị xuất khẩu lớn, việc tăng hay giảm của điện thoại, linh kiện đều tác động ngay đến tổng kim ngạch xuất khẩu. Chẳng hạn, nếu duy trì mức tăng trưởng như năm 2021, ngành này có thể đóng góp thêm gần 7 tỷ USD vào doanh số xuất khẩu của cả nước trong năm nay, ngược lại, nếu có sự suy giảm cũng khiến xuất khẩu chịu ảnh hưởng theo.

Bộ Công thương đánh giá, trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng mảng điện thoại và linh kiện trong năm qua tiếp tục thể hiện là điểm sáng nhất trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong đó, điện thoại nguyên chiếc xuất khẩu chủ yếu sang EU và Mỹ. Riêng 2 thị trường này đã chiếm đến gần 58% thị phần kim ngạch xuất khẩu điện thoại nguyên chiếc.

Đối với linh kiện, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu từ Trung Quốc, tuy nhiên nhờ cân đối hợp lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành điện tử vẫn giữ ổn định cả về chỉ số sản xuất công nghiệp lẫn kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021.

Khối FDI đóng góp lớn

Làm nên ngôi vương quán quân về xuất khẩu mặt hàng điện thoại, linh kiện xuất khẩu chính là các doanh nghiệp FDI (chiếm tới 98,2%).

Đơn cử, trong kết quả xuất khẩu 51,184 tỷ USD của năm 2020, khối doanh nghiệp FDI đạt 50 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm trước đó và chiếm 97,75% tổng kim ngạch xuất khẩu. Sang 2021, với doanh thu 57,54 tỷ USD, thì khối FDI đóng góp gần 56 tỷ USD.

Hiện nay Samsung vẫn là tập đoàn sản xuất điện tử, điện thoại lớn nhất tại Việt Nam, doanh thu xuất khẩu cũng dẫn đầu nhờ 2 dự án của Tập đoàn tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Hai nhà máy của Samsung ở Việt Nam là SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là hai nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp điện thoại di động lớn nhất và hiện đại nhất của Samsung Electronics trên toàn cầu. Đối với điện thoại, khoảng 60% sản phẩm Samsung bán ra trên thị trường toàn cầu được lắp ráp sản xuất ở các nhà máy tại Việt Nam.

Năm 2021, Samsung Việt Nam đạt doanh thu 74,2 tỷ USD, tăng 14% và kim ngạch xuất khẩu đạt 65,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020.

Năm 2022, xuất khẩu điện thoại của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhờ nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng phục vụ thông tin liên lạc, truyền thông cũng như phương tiện làm việc tăng cao. Đây cũng là năm thứ ba, các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải thích ứng sản xuất, kinh doanh trong đại dịch, nhưng thuận lợi là tỷ lệ bao phủ vắc-xin trên cả nước đã đạt mức cao, các doanh nghiệp đã thích nghi tốt hơn.

Đây là nền tảng để chỉ số sản xuất điện thoại, linh kiện giữ được đà tăng trưởng, qua đó hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu lớn sang các thị trường đối tác.

Tin liên quan
Tin khác