Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt 67,7 tỷ USD, tăng 6,6% (tương đương 4,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư trong nước ước đạt 19,4 tỷ USD tăng 3,9% (732 triệu USD), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước 48,3 tỷ USD tăng 7,7% (3,5 tỷ USD).
Như vậy, dù đã rất nỗ lực, nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 5 tháng đầu năm vẫn còn cách khá xa mục tiêu điều hành của năm nay là tăng 10%. Nguy cơ không đạt mục tiêu đề ra càng trở nên lớn hơn nhiều.
Trong bối cảnh giá dầu thô vẫn đứng ở mức thấp, thì để tăng trưởng xuất khẩu, Việt Nam vẫn đang phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các mặt hàng gia công, lắp ráp, với tỷ trọng phần lớn thuộc về các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Chẳng hạn, điện thoại các loại và linh kiện (tăng 20,6%, tương đương tăng 2,5 tỷ USD); điện tử, máy tính và linh kiện (tăng 5,4%); giày dép (tăng 6,0%); dệt may (tăng 6,1%)…
Trong khi đó, về thị trường, ước tính 5 tháng đầu năm 2016, Hoa Kỳ vẫn là thị trường dẫn đầu với 14,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2015. Tiếp đến là EU ước đạt 13,3 tỷ USD, tăng 11%; Trung Quốc ước đạt 7,6 tỷ USD, tăng 18,9%; Hàn Quốc ước đạt 4,3 tỷ USD, tăng 39,5%.
Bên cạnh đó, xuất khẩu sang một số thị trường có kim ngạch giảm nhẹ. Chẳng hạn, sang ASEAN ước đạt 6,8 tỷ USD, giảm 13,5%; Nhật Bản ước đạt 5,4 tỷ USD, giảm 2,2%.
Trong khi đó, 5 tháng, nhập khẩu của cả nước ước đạt 66,3 tỷ USD, giảm 0,9% (574 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khu vực đầu tư nước ngoài đạt 39,2 tỷ USD, giảm 1,9%, khu vực đầu tư trong nước đạt 27,2 tỷ USD, tăng 0,7% (198 triệu USD).
Số liệu thống kê cho thấy, nhiều mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch nhập khẩu giảm khá mạnh, như máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng (giảm 8,6%); xăng dầu (giảm 21,2%); sản phẩm từ sắt thép (giảm 36,5%)…
Tuy nhiên, vẫn có một số mặt hàng có tốc độ nhập khẩu tăng cao, như điện tử máy tính và linh kiện (tăng 12,4%); kim loại thường khác và sản phẩm (tăng 26,1%)… Đặc biệt, mặt hàng than đá trước đây xuất khẩu thì đến nay nhập khẩu lại tăng cao, lên tới 135,3%.
Và cũng không có gì đáng ngạc nhiên, khi tính đến hết tháng 5, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với 19,2 tỷ USD, giảm nhẹ 2,9% (577 triệu USD). Như vậy, nhập siêu từ thị trường này đạt giá trị 11,5 tỷ USD, giảm 13,5% (1,8 tỷ USD) so với cùng kỳ 2015.
Thị trường Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ 2 với 12,1 tỷ USD, tăng 6,4%. Nhập siêu từ Hàn Quốc là 7,8 tỷ USD. ASEAN đứng ở vị trí thứ 3 với 9,4 tỷ USD, giảm 4,2%, còn Nhật Bản đạt 5,7 tỷ USD, giảm 6,4%...
Cùng với công bố số liệu ước tính của tháng 5, thì Tổng cục Thống kê cũng cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 4 đều tăng so với ước tính. Do vậy, xuất siêu của 4 tháng đầu năm đạt 1,8 tỷ USD.
Với kết quả nhập siêu 400 triệu USD trong tháng 5, thì mức xuất siêu 5 tháng qua đã giảm còn 1,4 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất siêu vẫn hoàn toàn thuộc về khu vực đầu tư nước ngoài với mức xuất siêu lên đến 9,1 tỷ USD, trong khi khu vực trong nước vẫn tiếp tục nhập siêu với 7,7 tỷ USD.
Tổng cục Thống kê dự báo, nếu giá dầu thô tiếp tục tăng và nhập khẩu máy móc thiết bị cho các dự án lớn đã ổn định, có thể cán cân thương mại hàng hóa trong 6 tháng đầu năm vẫn tiếp tục xuất siêu.