Giai đoạn 2011-2018, xuất khẩu cà phê mang về mỗi năm trên 3 tỷ USD. |
Xuất khẩu trên 3 tỷ USD/năm giai đoạn 2011 - 2018
Xuất khẩu cà phê hiện đóng góp 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản. Cà phê là ngành hàng quan trọng, chiếm 3% GDP cả nước.
Năm 2018, xuất khẩu cà phê của nước ta đạt 1,882 triệu tấn trị giá 3,544 tỷ USD tăng 20,1% về lượng và tăng 1,2% về trị giá so với năm 2017.
Bộ Công Thương đánh giá, trong những năm qua, dù kinh tế thế giới có nhiều thời điểm gặp khó khăn dẫn đến sức mua sụt giảm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng rất đáng khích lệ, đạt 8,2%/năm với kim ngạch bình quân 3,13 tỷ USD/năm giai đoạn 2011 - 2018, chiếm 15% tổng xuất khẩu nông sản của cả nước.
Sản phẩm cà phê Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu (đứng thứ 2, sau Brazil).
Đặc biệt, cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu đã chiếm 9,1% thị phần (đứng thứ 5, sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ), tạo ra nhiều cơ hội cũng như triển vọng cho ngành cà phê khi Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế thông qua các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
EU là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cà phê của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; tiếp theo là Đông Nam Á, chiếm 13% tổng lượng và tổng kim ngạch…
Các nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới như Brazil, Indonesia, Colombia… đều chủ yếu xuất khẩu cà phê dưới dạng hạt (green bean), tức là chỉ dừng ở hoạt động sơ chế sau thu hoạch. Một số nước có hoạt động rang và xay nhưng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng xuất khẩu cà phê.
Riêng với Việt Nam, kể từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, hoạt động sơ chế sau thu hoạch đã được hết sức quan tâm. Nhờ vậy, từ chỗ có giá bán tại cảng Việt Nam thấp hơn tới 400 - 500 USD so với giá tham chiếu tại Sở Giao dịch Hàng hóa Luân Đôn, Việt Nam đã dần thu hẹp được khoảng cách này và cho tới nay, giá bán cà phê Robusta của Việt Nam đã phù hợp với giá thị trường thế giới.
Năm 2018, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 1.883 USD/tấn.
6 tỷ USD vào năm 2030
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhận định, trong thời gian qua, nhờ ưu đãi về thuế quan đối với cà phê chế biến từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết nên ngày càng nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm, chú trọng đầu tư vào các hoạt động chế biến sâu nhằm góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nói riêng và kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nói chung.
Bởi vậy, mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030 là trong tầm tay của ngành cà phê Việt.
Đến nay, cả nước đã có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan và 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn.
Cụ thể, 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, tổng công suất thiết kế 1.503 triệu tấn, tổng công suất thực tế đạt 83,6%; 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, tổng công suất thiết kế 51,7 nghìn tấn sản phẩm/năm; 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan, tổng công suất thiết kế 36,5 nghìn tấn sản phẩm/năm, tổng công suất thực tế đạt 97,9%; 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn, tổng công suất thiết kế 139,9 nghìn tấn sản phẩm/năm, tổng công suất thực tế đạt 81,6%.
Cà phê bột của Trung Nguyên, cà phê hòa tan của Vinacafe, Trung Nguyên không những chiếm lĩnh được thị trường trong nước mà còn được hoan nghênh ở nhiều thị trường trong khu vực, đồng thời đã bước đầu xây dựng được thương hiệu cà phê Việt.
Tuy nhiên, mặc dù ngành hàng cà phê có bước phát triển nhanh trong một số năm gần đây cả về diện tích và sản lượng, song lợi thế trên thị trường thế giới phần lớn vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài có thương hiệu và tiềm lực tài chính mạnh.
Tháng 3/2019, Tập đoàn Tata, Ấn Độ đã khánh thành Nhà máy sản xuất cà phê sấy lạnh, có công suất 5.000 tấn/năm, được xây dựng trên diện tích 80.000 m2 tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II - A, với tổng vốn đầu tư hơn 65 triệu USD cung ứng các sản phẩm cà phê hòa tan cho thị trường toàn cầu.
Trước đó, hồi cuối năm 2018, Công ty cổ phần Phúc Sinh khánh thành nhà máy Phúc Sinh Sơn La (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), quy mô 45 hecta sau 8 tháng xây dựng, với phân xưởng chế biến quả cà phê tươi được đầu tư máy móc, đăng ký bản quyền sáng chế tại Mỹ của Tập đoàn Penagos - Columbia, Tập đoàn số 1 thế giới về máy chế biến cà phê, cho phép sản xuất khép kín từ quả cà phê tươi theo phương pháp ướt, với công suất 20.000 tấn quả tươi/năm.
Cũng khoảng thời gian này, Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan Tín Nghĩa, tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (Đồng Nai) cũng được đưa vào hoạt động. Đây là nhà máy chế biến sâu về cà phê có quy mô lớn nhất tại Việt Nam hiện nay với công suất 10.000 tấn/năm. Giai đoạn 1 của Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan Tín Nghĩa có vốn đầu tư 30 triệu USD, công suất 3.200 tấn.
Đến năm 2019 công suất nâng lên 5.000 tấn và năm 2021 nhà máy sẽ đạt công suất 10.000 tấn cà phê hòa tan và cà phê rang xay; tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD.
Nhà máy được đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến cà phê hiện đại, khép kín theo tiêu chuẩn hệ thống an toàn thực phẩm FSSC 22000. Sản phẩm chủ lực là cà phê rang xay và cà phê hòa tan hỗn hợp.
Với các dự án mới được đưa vào hoạt động trong thời gian gần đây, Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam dự tính, đến năm 2020, tỷ lệ sản xuất cà phê hòa tan, cà phê rang xay của Việt Nam sẽ đạt 25% sản lượng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt từ 3,9 - 4,2 tỷ USD.