Ngành gỗ đang có nhiều đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU. |
Bứt tốc vượt kỳ vọng
Từ đầu năm đến nay, đơn hàng xuất khẩu cà phê đi châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… đều tăng mạnh. Dù giá cước vận tải tăng rất cao, trong một số thời điểm đã gây khó cho việc vận chuyển hàng hóa, nhưng sau 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đã mang về trên 2 tỷ USD, với gần 1 triệu tấn, tăng 23,3% về lượng và tăng hơn 50% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Giá xuất khẩu cà phê mà các doanh nghiệp ký được trong nửa đầu năm nay đạt trung bình trên 2.250 USD/tấn, tăng thêm 40% so với giá xuất khẩu 6 tháng đầu năm ngoái, đã góp thêm vào “bức tranh sáng” của nông sản xuất khẩu. Các nước châu Âu như Đức, Bỉ, Italia rất ưa chuộng cà phê Việt Nam. Riêng tại Mỹ, giá xuất khẩu bình quân của cà phê Việt Nam đạt 2.470 USD/tấn, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,56 triệu tấn, trị giá 3,07 tỷ USD, giảm 0,2% về lượng, tăng 12,1% về trị giá so với năm 2020. Như vậy, đối chiếu với kết quả năm 2021, xuất khẩu cà phê đã có sự bứt tốc mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022, vượt xa sự kỳ vọng của các nhà xuất khẩu.
Ông Phan Minh Thông, CEO Phúc Sinh Group nhận định, ngành cà phê năm 2022 sẽ tăng trưởng 30 - 40%. Cầu lớn, trong khi cung giảm, giá xuất khẩu cà phê có thể cán mốc 2.400 - 2.600 USD/tấn trong năm 2022, đà tăng có thể kéo dài sang năm 2023.
Giá cà phê xuất khẩu khởi sắc đã mang đến tín hiệu tích cực cho thị trường cà phê trong nước. Chủng loại cà phê xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là cà phê Robusta, chiếm khoảng 87,5% lượng cà phê xuất khẩu. Những ngày giữa tháng 6/2022, giá cà phê Robusta nội địa tiếp tục tăng 200 - 300 đồng/kg (tùy khu vực) so với ngày 8/6/2022, lên mức cao nhất gần 45.000 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk.
Dù không tăng cao như mọi năm, nhưng 6 tháng qua, ngành gỗ đã mang về gần 8 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ, nếu tính cả nhóm lâm sản chính, thì mang về 9,1 tỷ USD, dự báo cả năm 2022 có thể cán mốc 17 tỷ USD, thay vì 16 tỷ USD như mục tiêu đề ra từ đầu năm. Xuất khẩu gỗ sang Mỹ và EU tăng rất mạnh.
Ông Nguyễn Sỹ Hòe, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phú Tài cho biết, xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ tăng trưởng mạnh những năm gần đây. Phú Tài cũng đón nhận được cơ hội này để tăng tốc xuất khẩu. Đặc biệt từ cuối năm 2021 đến nay, các nhà nhập khẩu Mỹ tăng nhập từ Việt Nam thay vì nhập từ Trung Quốc bị đắt đỏ do phải chịu thuế chống bán phá giá.
Cùng với cà phê và gỗ, thủy sản cũng là điểm sáng của bức tranh xuất khẩu. Nhu cầu tiêu dùng thủy sản tăng cao tại nhiều thị trường lớn đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của nước ta tăng gần 40% so với cùng kỳ, đạt gần 5,8 tỷ USD. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm 2022 có thể cán đích 10 tỷ USD.
Linh hoạt điều chỉnh để về đích
Trên cơ sở kết quả xuất khẩu 6 tháng đầu năm, đánh giá nhu cầu thị trường thế giới vẫn tiếp tục gia tăng đối với nhiều nhóm hàng nông sản chính yếu (gạo, cà phê, thủy sản, điều…), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu xuất khẩu đến cuối năm sẽ đạt khoảng 55 tỷ USD, cao hơn mức Chính phủ giao 5 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ sẽ tập trung vào giải pháp tác động tới các sản phẩm xuất khẩu chủ lực có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm.
Chẳng hạn, ngành điều vừa phải điều chỉnh hạ chỉ tiêu xuất khẩu năm 2022 từ 3,8 tỷ USD xuống còn 3,2 tỷ USD, giảm 400 triệu USD so với năm 2021. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), những diễn biến trên thế giới như xung đột Nga - Ukraine, lạm phát toàn cầu đang ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của thị trường, tác động trực tiếp tới xuất khẩu hạt điều của Việt Nam.
Tình hình xuất khẩu năm 2022 sẽ tiếp tục gặp khó khăn do giá cước tàu biển vẫn neo ở mức cao, trong khi đó, giá nhân điều xuất khẩu không tăng đồng bộ với đà tăng của điều thô, các nhà máy không thể cân đối giá thành chế biến và giá xuất khẩu. Vì vậy, lượng nhân điều xuất khẩu dự báo giảm trong những tháng tiếp theo, có thể kéo dài đến hết năm 2022. Đó là lý do ngành điều phải điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu.
Với ngành rau quả, do thị trường Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh nhập khẩu bởi chính sách “zero Covid”, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm 30% so với cùng kỳ năm 2021, ước đạt trên 850 triệu USD. Đây cũng là yếu tố chính khiến kim ngạch xuất khẩu ngành rau quả 6 tháng qua giảm trên 10%, bởi Trung Quốc là thị trường chính, chiếm tới 50,6% tổng trị giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Tuy nhiên, thông tin tích cực là từ cuối tháng 6, phía Trung Quốc bắt đầu thí điểm nhập khẩu trở lại các mặt hàng nông sản từ Việt Nam, trong đó có thanh long, vải thiều và xoài qua cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) để đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu về công tác phòng, chống Covid-19.
Như vậy, sau hơn 4 tháng tạm dừng thông quan, việc một số loại trái cây của Việt Nam đã được xuất khẩu thí điểm qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành đã cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu nông sản có tín hiệu khởi sắc, mở ra hy vọng cho cho việc hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong năm 2022.