Doanh nghiệp
Xuất khẩu cá tra: sân khách thì thắng, bỏ trắng sân nhà
Phú Khởi - 19/12/2013 16:39
Theo ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), sản phẩm cá tra hiện rất đơn điệu, có đến 99% là phi lê và chỉ tập trung xuất khẩu mà gần như “bỏ trắng” thị trường trong nước.

Đánh giá được ông Thừa nêu tại Hội thảo “Phát triển thị trường và nâng cao giá trị gia tăng của cá tra tại ĐBSCL” vừa diễn ra tại TP.Cần Thơ ngày 19/12.

Theo ông Thừa, năm 2013, ngành chế biến cá tra xuất khẩu đã vượt qua nhiều khó khăn, mặc dù diện tích nuôi cá giảm 13% nhưng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gần như không giảm so với năm 2012, đây là một nỗ lực đáng ghi nhận.

Sản phẩm cá tra hiện rất đơn điệu, có đến 99% là phi lê và chỉ tập trung xuất khẩu mà gần như “bỏ trắng” thị trường trong nước

Trong vòng 10 năm qua ngành cá tra Việt Nam đã phát triển hơn 10 lần, trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu khẩu chủ lực.

Tuy nhiên, do phát triển quá nóng và thiếu quy hoạch nên đã xảy ra nhiều bất cập, như diện tích nuôi tăng nhanh, doanh nghiệp chế biến phát triển tràn lan nhưng nguyên liệu chế biến thức ăn thì phải lệ thuộc 70 - 80% vào nhập khẩu.

Các nhà máy chế biến thức ăn đa phần do nhà đầu tư nước ngoài làm chủ, sản phẩm cá tra đơn điệu có đến 99% là phi lê, lo xuất khẩu mà gần như “bỏ trắng” thị trường trong nước, các phụ phẩm sau chế biến không được sử dụng hợp lý, gây lãng phí và ô nhiểm môi trường.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Sao Mai tỉnh An Giang cho rằng, quá trình chế biến cá tra thành sản phẩm đông lạnh xuất khẩu thường chỉ lấy đi 1/3 khối lượng nguyên liệu đầu vào, phần còn lại thải ra như: đầu xương cá, da cá, dè cá, mỡ cá, bao tử cá, thịt vụn cá, máu cá,… chứa rất nhiều các thành phần có giá trị có thể sử dụng để sản xuất: nhiên liệu sinh học, dầu ăn, gelatin, phân bón lá, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm,. . .

Nhưng trên thực tế, ngoài bao tử cá được bán dưới dạng hàng giá trị gia tăng thì phần còn lại chỉ dùng để sản xuất bột cá và mỡ thô. Rõ ràng, giá trị của con cá tra đã bị lãng phí, chưa được khai thác hết.

Vì lẽ đó, công ty đã đầu tư 15 triệu USD xây dựng nhà máy tinh luyện dầu cá với công suất ban đầu là 100 tấn mỡ thô/ngày, sau 3 năm nâng công suất tinh luyện lên 200 tấn mỡ thô/ngày. Nếu sản lượng nuôi cá tra tại ĐBSCL là 1 triệu tấn như hiện nay thì mỗi năm nhà máy sẽ tiêu thụ khoảng 1/3 lượng mỡ cá tra của ĐBSCL. Hiện nay, nhà máy này đã đi vào vận hành thử và cho kết quả rất tốt.

Theo Tổng cục Thủy sản: diện tích nuôi cá tra đến tháng 11/2013 đạt 4.679ha giảm 13% so với cùng kỳ, trong đó có 3.638ha đã thu hoạch với sản lượng đạt 1 triệu tấn, giảm 3% so với cùng kỳ.

“Mong muốn của chúng tôi là chuyển phụ phẩm cá tra thành những mặt hàng chính phẩm, giá trị gia tăng có thể vượt xa giá trị sản phẩm chính”, ông Thuấn bộc bạch.

Ông Nguyễn Duy Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, Tổng cục Thủy sản đang lấy ý kiến xây dựng đề án đẩy mạnh xúc tiến thương mại cá tra với mục tiêu nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu và giá trị gia tăng cho sản phẩm cá tra và đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.

Cụ thể, đến 2015 sản lượng cá tra tiêu thụ nội địa tăng 100% và đến năm 2020 tỷ lệ này tăng lên 300%. Mục tiêu là giữ vững thị trường, nâng cao giá trị, hình ảnh cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế, hướng đến kim ngạch xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD năm 2015 và 3 tỷ USD trong năm 2020.

Để đạt mục tiêu trên, đề án cũng đề ra nhiều giải pháp, trong đó có đề xuất thành lập Quỹ xúc tiến thương mại cá tra, hình thành từ nguồn thu xuất khẩu ca tra. Tổng nhu cầu kinh phí phục vụ cho đề án dự kiến trên 129 tỷ đồng, trong đó Ngân sách nhà nước hỗ trợ 51,7%, phần còn lại là nguồn quỹ xúc tiến thương mại cá tra và các nguồn khác.

Nhận định về thị trường xuất khẩu cá tra năm nay và năm tới, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, xuất khẩu cá tra trong 10 tháng đầu năm 2013 đạt 1,4 tỷ USD, chỉ giảm 0,5% so với cùng kỳ nhưng thị trường xuất khẩu mở rộng thêm 9 quốc gia, nâng tổng số lên 149 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu cá tra Việt Nam. Cá tra vẫn duy trì vị trí xuất khẩu thứ hai sau tôm và chiếm 26% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Hiện tốp 8 thị trường chính nhập khẩu cá tra Việt Nam gồm: EU, Asean, Mỹ, Truong Quốc và Hồng Kông, Mexico, Brazil, Colombia, ArapXeut chiếm đến 74,8%.

Hiện nay, phần lớn diện tích nuôi cá tra là do doanh nghiệp chế biến đầu tư nuôi hoặc liên kết với hộ nông dân nuôi, số hộ nuôi riêng lẻ còn rất ít. Điều này có thể khẳng định tình trạng cung cầu nguyên liệu cá tra cho năm 2014 sẽ ở mức hợp lý, vì doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sẽ biết tự cân đối nguồn nguyên liệu, chứ không để tình trạng phát triển diện tích nuôi ồ ạt mà không kịp mở rộng thị trường như đã từng xảy ra những năm trước đây.

Khi cung cầu ở mức hợp lý thì giá xuất khẩu cũng được giữ để đảm bảo quyền lợi cho ngành sản xuất này phát triển. Mặt khác, hiện nay sản phẩm cá tra Việt Nam cũng đã được nhiều thị trường biết đến là sản phẩm có giá bán bình dân, chất lượng tốt và đã xây dựng được nhiều thị trường lớn. Mặc dù thuế chống bán phá giá ca tra Việt Nam sang thị trường Mỹ trong đợt POR8, POR9 tăng, nhưng xuất khẩu vào Mỹ vẫn tăng. Dự báo kinh tế Mỹ trong năm 2014 sẽ sáng sủa hơn, nhu cầu tiêu dùng của quốc gia này cũng sẽ còn tăng, và cá tra cũng sẽ là mặt hàng có thể hưởng lợi.

Trong khi đó, xuất khẩu cá tra sang Brazil trong 10 tháng năm 2013 đạt gần 92 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ và những dấu hiệu cho thấy nhu cầu của thị trường tuy khó tăng thêm, nhưng vẫn tiếp tục ổn định. Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông tăng gần 24% và xu hướng sẽ còn tiếp tục tăng. Xuất khẩu sang EU và Asean tiếp tục ổn định…

"Với bức tranh nhiều gam màu sáng đó, kỳ vọng thị trường xuất khẩu cá tra năm 2014 sẽ tốt hơn", ông Hòe nói.

Tin liên quan
Tin khác