Doanh nghiệp xi măng trong nước lo ngại về thuế xuất khẩu clinker càng làm khó cho cạnh tranh với sản phẩm của Thái Lan, Trung Quốc... |
Hiệp hội Xi măng Việt Nam mới đây đã có buổi làm việc với một số doanh nghiệp xuất khẩu xi măng và luật sư về các vấn đề liên quan đến chính sách thuế xuất khẩu xi măng.
TS Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, sau Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13 (có hiệu lực từ ngày 01/09/2016), Chính phủ ban hành Nghị định 122/2016/NĐ-CP (Nghị định 122) quy định về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế. Ở Mục 211 Phụ lục I Nghị định 122 quy định: “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không quy định ở trên có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” có thuế suất thuế nhập khẩu là 5%.
Theo tính toán của các doanh nghiệp, với quy định mới, chi phí xuất khẩu của các công ty xi măng trong nước sẽ tăng thêm khoảng 4,5 USD/ tấn clinker (theo giá FOB bình quân 30 USD/ tấn) và tăng 7,5 USD/ tấn xi măng (theo giá FOB bình quân 50 USD/ tấn).
Giá xi măng xuất khẩu của Việt Nam sẽ rất khó có thể cạnh tranh với các nước có thế mạnh về xuất khẩu xi măng trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia...
Theo danh mục các mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu và mức thuế cụ thể được quy định tại Phụ lục I Nghị định 122, nhưng xi măng không có tên trong danh sách tại Phụ lục I. Điều đó có nghĩa là, theo Nghị định này, xi măng không phải là mặt hàng phải chịu thuế xuất khẩu. Theo số thứ tự 211 Phụ lục I Nghị định 122: “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không quy định ở trên có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” có thuế suất thuế nhập khẩu là 5%.
TS. Nguyễn Quang Cung cũng cho biết, ngoài bất cập về mức thuế suất 5%, xi măng xuất khẩu còn không được hoàn thuế giá trị gia tăng 10% khiến thuế chồng lên thuế.
Tiếp đến còn là những bất cập về cách tính giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng. TS. Cung cũng nhận định, xi măng là sản phẩm của quá trình chế biến sâu, dây chuyền sản xuất hiện đại, chi phí để sản xuất ra sản phẩm xi măng rất lớn, chính vì vậy, xi măng là thành phẩm, không thể bị coi là bán thành phẩm.
Công ty xi măng Phúc Sơn hiện nay đang tiến hành xuất khẩu hai loại hàng hóa là sản phẩm của công ty là xi măng và clinker. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp vẫn phải chịu thuế suất thuế xuất khẩu 5%. Mặt hàng xi măng bị đánh thuế xuất khẩu là do cơ quan hải quan giải thích xi măng là vật tư, nguyên liệu bán thành phẩm.
Trong năm 2016, ngành xi măng xuất khẩu khoảng 15 triệu tấn sản phẩm, bao gồm xi măng và clinker thì tổng chi phí tăng khoảng 82,7 triệu USD.
Ước tính giá trị xuất khẩu thu về 556 triệu USD, với mức thuế xuất 5% thì Nhà nước sẽ thu được 27,8 triệu USD thấp hơn nhiều so với mức chi phí mà các doanh nghiệp phải bỏ ra.
Việc tăng thuế cũng khiến các nhà nhập khẩu lo ngại. Trong phiên họp thường niên năm 2016 của Hiệp hội Xi măng Đông Nam Á (AFCM) tại Indonesia mới đây, các nước thành viên AFCM bày tỏ quan ngại việc Việt Nam áp dụng chính sách thuế với ngành xi măng theo hai Nghị định số 100/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 và Nghị định số 122/2016/NĐ-CP có hiệu lực 1/9/2016 có thể làm giảm sức cạnh tranh của xi măng Việt Nam và đây là giải pháp mà các nước trên thế giới không áp dụng.
2 năm gần đây, tăng trưởng xuất khẩu clinker, xi măng liên tục giảm. Năm 2014, xuất khẩu đạt 20 triệu tấn, thì 2015 còn 17 triệu tấn, và 2016 khoảng 16 triệu tấn.
Sự sụt giảm không chỉ về khối lượng mà còn cả giá xuất khẩu. Năm 2014 giá xuất khẩu FOB clinker dao động 38-40 USD/tấn, xi măng vào khoảng 55 USD/tấn thì giá xuất khẩu tiếp tục giảm trong năm 2015 và 2016. Hiện giá xuất khẩu FOB clinker dao động khoảng 30 USD/tấn, giảm 20-25% so với năm 2014.
Chưa hết, công suất thiết kế của ngành xi măng trong nước đang dư thừa so với nhu cầu. Năm 2016, tổng công suất thiết kế của Việt Nam đạt 89 triệu tấn và tiêu thụ ở mức 75 triệu tấn. Tổng công suất thiết kế của Việt Nam đến hết năm 2020 định hướng đến năm 2030 luôn dư thừa nhiều so với nhu cầu tiêu thụ.
Tổng công suất thiết kế đến năm 2020 là 93 -95 triệu tấn và có thể đạt 130 triệu tấn vào năm 2030. Thế nhưng đến hết năm 2018 đã có thêm 20 triệu tấn xi măng ra thị trường. Và như vậy đến hết năm 2020, tổng công suất thiết kế của Việt Nam là 108 triệu tấn.
Liên quan đến việc thuế xuất khẩu clinker, xi măng, Tổng cục Hải quan cũng đã có công văn hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện ấn định và truy thu thuế bổ sung đối với các tờ khai xuất khẩu clinker đã khai báo mức thuế suất 0%.
Theo Tổng cục Hải quan, tại Biểu thuế xuất khẩu ban hành kèm theo Nghị định 122/2016/NĐ-CP thì nhóm mặt hàng “vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không quy định ở trên có trị giá tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” có thuế suất là 5%.
Thực tế mặt hàng clinker được sản xuất từ nguyên liệu chính là đá vôi, đất sét và đa số doanh nghiệp đã tự kê khai và nộp thuế theo thuế suất 5%.
Tuy nhiên, theo rà soát của Tổng cục Hải quan, từ ngày 1/9/2016 đến 20/10/2016 đã phát sinh 34 tờ khai xuất khẩu mặt hàng clinker, trong đó có 14 tờ khai đã khai thuế xuất khẩu 5%, còn lại 20 tờ khai khai thuế suất 0%. Để áp dụng thống nhất mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng Clinker, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện ấn định và truy thu thuế bổ sung đối với các tờ khai xuất khẩu Clinker đã khai báo mức thuế suất 0% theo mức thuế suất 5%.
Rõ ràng, xuất khẩu của các doanh nghiệp xi măng trong nước sẽ thêm phần chật vật.