Thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ sau 20 năm tăng trưởng mạnh mẽ. |
Các số liệu về xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, du khách Mỹ vào Việt Nam là minh chứng cho điều này. Năm 2014, Việt Nam vươn lên trở thành nước xuất khẩu số 1 vào thị trường Mỹ trong 10 nước ASEAN. Từ thế đối đầu, sau 20 năm, mối quan hệ kinh tế và thương mại của Việt Nam và Hoa kỳ ngày càng tốt đẹp.
Năm 1995, khi Việt - Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ, từ chỗ thương mại chỉ đạt trăm triệu USD thì năm 2001, khi Hiệp định thương mại song phương (BTA) được ký kết, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đã tăng theo cấp số cộng, rồi cấp số nhân. Năm 2002, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đạt 2,3 tỷ USD, 2006, đạt 8,5 tỷ USD và năm 2014 đạt 30,6 tỷ USD, gấp 13 lần, tăng trưởng trên 150% so với năm 1995. Theo đó, Mỹ trở thành thị trường, nước xuất khẩu số 1 của Việt Nam.
Với dung lượng thị trường khoảng 1.800 tỷ USD, Mỹ đang được xem là thị trường trọng điểm số 1 của Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, theo Vụ Thương mại Đa biên và Vụ Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, trong hơn 20 mặt hàng xuất khẩu giá trị 1 tỷ USD/năm, thị trường Mỹ đã có 7 mặt hàng, nhiều nhất là dệt may - da giày, đồ gỗ, thủy sản và ngũ cốc…
Triển vọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ ngày càng rộng mở khi tới đây Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Việt Nam và 11 nước nằm ở hai bờ Thái Bình Dương, trong đó có Mỹ được hoàn tất ký kết, thuế quan nhiều mặt hàng sẽ về 0%, hàng Việt Nam vào Mỹ sẽ có lợi thế cạnh tranh và lợi thế so sánh với các mặt hàng các nước đối thủ như: Trung Quốc, Ấn Độ và Banglades…
Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam, trong năm 2014, giá trị kim ngạch thị trường này chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Việt Nam giữ vị thế xuất siêu liên tục ngày một tăng và ở mức khá lớn (năm 2013 trên 18,6 tỷ USD, 2014 là 22,3 tỷ USD). Nếu cả năm (xuất khẩu đạt 34 tỷ USD, nhập khẩu đạt 7,5 tỷ USD), thì năm 2015 sẽ là năm mà Việt Nam có thể xuất siêu vào một thị trường vượt qua mốc 26,5 tỷ USD.
Ngoài xuất nhập khẩu, Việt Nam là đang là địa điểm đầu tư lý tưởng của các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Theo Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ KH&ĐT), vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Hoa Kỳ năm 2014 đạt 71 triệu USD, đứng thứ 17 trong các đối tác; 6 tháng 2015 đạt 72,9 triệu USD, đứng thứ 9. Nếu tính từ 1988 đến nay, FDI đã đạt gần 11,1 tỷ USD đăng ký của các dự án còn hiệu lực, đứng thứ 7. Các dự án đều có kỹ thuật - công nghệ cao, được quản lý hiện đại...
Trong cuộc xúc tiến đầu tư mới đây giữa Chính phủ, cơ quan xúc tiến đầu tư của Việt Nam, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đánh giá cao sự cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam thông qua việc ban hành hai luật mới: Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia vào TPP sẽ được xem là cơ hội để các nhà đầu tư Hoa Kỳ bỏ vốn đầu tư vào Việt Nam và xuất khẩu ngược trở lại Hoa Kỳ.
Ngoài xuất khẩu, đầu tư tăng trưởng mạnh mẽ, lượng khách từ Hoa Kỳ đến Việt Nam ngày càng tăng, trong năm 2014 đạt gần 443,8 nghìn lượt người, đông thứ 4. Chi tiêu bình quân 1 ngày của khách đến từ Hoa Kỳ đạt 110,2 USD, cao thứ 8 trong các nước và vùng lãnh thổ. Sáu tháng 2015 đạt 255,9 nghìn lượt người, đứng thứ 4 và tăng 3,9% (trong khi tổng số giảm 11,3%).