Thời sự
Xuất khẩu dệt may vào Liên minh Kinh tế Á - Âu sớm đạt 1 tỷ USD
Thế Hải - 02/06/2015 16:20
Với ưu đãi lớn về thuế quan, khoảng 90 dòng thuế về 0% mà Liên minh Kinh tế Á - Âu dành cho Việt Nam khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu có hiệu lực, nhiều ngành xuất khẩu, trong đó có dệt may đang kỳ vọng tăng trưởng 50% trong năm đầu tiên.

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), thị trường các nước Liên minh Kinh tế Á – Âu mỗi năm nhập khẩu khoảng 17 tỷ USD hàng dệt may, nhưng hiện tại, thị phần của Việt Nam tại các thị trường này chỉ chiếm 2%. 

Xuất khẩu dệt may sang Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan sẽ sớm đạt 1 tỷ USD

Chia sẻ những cơ hội từ FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, kiêm Phó chủ tịch Vitas cho rằng, ngành dệt may đang xuất khẩu mỗi năm 27 tỷ USD hàng dệt may ra thế giới, là nước đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu dệt may, đã đứng được ở những thị trường khó tính nhất như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…thì không thể không đứng được tại thị trường của khối Liên minh Kinh tế Á – Âu.

“Đối với dệt may, phần lớn mặt hàng có mức thuế suất về 0%, số ít còn lại cũng sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình cam kết sẽ là lực đẩy để kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Liên minh Kinh tế Á – Âu sẽ tăng trưởng 50% ngay trong năm đầu tiên và tăng trung bình 20% trong 5 năm tiếp theo, nâng kim ngạch tăng từ 700 triệu USD hiện nay lên 1 tỷ USD trong 1, 2 năm tới”, ông Trường tính toán.

Như vậy,  Việt Nam sẽ chuyển từ vị trí nhà cung cấp hàng dệt may thứ 8 hiện nay tiến lên vị trí thứ 4 tại thị trường Liên minh Kinh tế Á – Âu.

Theo tính toán,  FTA với Liên minh Kinh tế Á – Âu  đi vào hiệu lực dự báo có thể tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Liên minh Kinh tế Á – Âu từ 4 tỷ USD hiện nay lên 10 - 12 tỷ USD vào năm 2020.

Liên minh Kinh tế Á - Âu bao gồm:  Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan, có dân số 183 triệu người, GDP khoảng 4.500 tỷ USD (chiếm 6% GDP toàn cầu).

Giá trị sản xuất công nghiệp của khối  là 1.300 tỷ USD (chiếm 11% toàn cầu); sản xuất 30,2% lượng phân bón, 4,5% sắt thành phẩm, 4,5% quặng sắt của thế giới. Tổng giá trị thương mại 900 tỷ USD (chiếm 5% toàn cầu).

Các nước thuộc Liên minh là những quốc gia có trữ lượng tài nguyên phong phú, khổng lồ với tổng trữ lượng dầu mỏ 100 tỷ thùng, chiếm 17% trữ lượng thế giới, trữ lượng khí đốt đứng đầu thế giới, thứ ba về sản lượng điện và thứ tư về sản lượng than..

Tin liên quan
Tin khác