Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 9 tháng năm 2020 ước đạt hơn 25,5 tỷ USD, giảm khoảng 12%. |
Xưởng veston chuyển hướng may hàng bình dân
Như thông lệ, thời điểm này là vụ sản xuất chính của các doanh nghiệp làm hàng dệt may xuất khẩu, nhưng năm 2020 thì có nhiều điểm khác. Đơn hàng sụt giảm, nhu cầu tiêu dùng hàng may mặc tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… chưa hồi phục do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, khiến nhiều nhà xưởng may hàng xuất khẩu phải linh hoạt chuyển sang may các mặt hàng bình dân.
Ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Hồ Gươm thừa nhận, dịch bệnh khiến những đơn hàng đồ veston, hàng cao cấp gần như bị ngưng trệ. “Những xưởng may veston của chúng tôi phải chuyển sang may hàng vest nữ loại thời trang thông thường cho Mango, Zara, Walmart và các loại quần áo cơ bản cho các thương hiệu may mặc trung bình khác, không phải hàng thời trang theo xu hướng”.
Theo ông Trịnh, dịch bệnh kéo dài nhiều tháng nay, khiến thị trường đã quay về nhu cầu cơ bản, thiết thực nhất. Hàng cao cấp đã dừng từ đầu năm và chưa biết đơn hàng có thể trở lại vào lúc nào.
Chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thị trường giảm nhu cầu hàng hóa, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG ghi nhận hiệu quả sản xuất, kinh doanh đi lùi so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 8 tháng của năm 2020, tổng doanh thu của TNG đạt 3.058 tỷ đồng, giảm 3% so cùng kỳ, mức sụt giảm 3% được cho là khá nhẹ nhàng so với nhiều doanh nghiệp khác. Chỉ bị giảm nhẹ như trên vì trong 8 tháng qua, mảng kinh doanh nội địa của TNG tăng 42%, đạt 200 tỷ đồng, đã bù đắp cho sụt giảm doanh thu xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 9 tháng năm 2020 ước đạt hơn 25,5 tỷ USD, giảm khoảng 12%. Các sản phẩm xuất khẩu khác như vải mành, vải kỹ thuật giảm 36,8%; xơ, sợi dệt các loại giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, năm 2020, mục tiêu xuất khẩu của toàn ngành dệt may là 40 tỷ USD, nhưng theo dự tính chỉ có thể đạt 32 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng truyền thống của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam là veston, sơmi giảm 70%, thậm chí là 80%.
Thị trường chủ lực chưa cải thiện
Theo Vitas, về tổng cầu dệt may thế giới, bước sang quý IV/2020, tình hình thị trường dệt may thế giới nhìn chung vẫn chưa đón nhận nhiều dấu hiệu khả quan, cầu thị trường chưa chuyển biến nhiều.
Các số liệu nhập khẩu hàng may mặc và một loạt động thái giảm giá kích cầu, đẩy hàng tồn kho nhằm tránh tồn đọng vốn của các hãng bán lẻ, cũng như tạm ngừng nhập khẩu may mặc của các nhà nhập khẩu lớn cho thấy, thị trường cũng như cầu tiêu dùng các mặt hàng quần áo khá chững.
Mỹ, thị trường nhập khẩu trên 14,8 tỷ USD hàng dệt may từ Việt Nam đang ngập trong khó khăn, báo hiệu đơn hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này sẽ rất khó tăng.
Tính chung nửa đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu riêng hàng may mặc tại Mỹ giảm 30,4% so với cùng kỳ 2019 và đây là mức giảm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009 (mức giảm 11,8%).
Theo thông lệ hàng năm, thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đều có đơn hàng đến cuối năm và thậm chí quý I năm sau. Tuy nhiên, nhu cầu chững lại do Covid-19 khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện chỉ nhận đơn hàng theo thông tin từng tháng. Nhiều doanh nghiệp chỉ nhận được khoảng 50-60% đơn hàng cho quý IV.
Trong khi đó, một số thị trường có FTA cũng không hy vọng tăng trưởng. Trước hết là xuất khẩu sang EU theo EVFTA vẫn chưa dễ tăng trong các tháng còn lại, do châu Âu vẫn đang oằn mình chống dịch, cầu chưa cải thiện. Còn tại thị trường Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), một số mã hàng dệt may của Việt Nam bị “tuýt còi” do vượt ngưỡng quy định cho cả năm 2020.
Cụ thể, Ủy ban Kinh tế Á - Âu (EEC) mới đây đã gửi cảnh báo về việc các mặt hàng dệt may của Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan (MFN) xuất khẩu vào thị trường EAEU theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU có nguy cơ vượt mức ngưỡng (trigger level) áp dụng biện pháp phòng vệ năm 2020 theo quy định tại Hiệp định.
Theo đó, các mặt hàng váy, đầm, quần áo phụ nữ của Việt Nam xuất khẩu vào EAEU trong thời gian từ tháng 1/2020 đến tháng 7/2020 đã đạt 79,4% mức ngưỡng quy định cho năm 2020.
Căn cứ Điều 2.10 của Hiệp định, một số mặt hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam được hưởng thuế suất 0% nhưng phải chịu sự điều chỉnh của cơ chế tự vệ ngưỡng. Cụ thế, nếu khối lượng nhập khẩu các nhóm mặt hàng này từ Việt Nam trong một năm vượt một ngưỡng khối lượng nhất định quy định tại Hiệp định, EAEU có quyền điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu từ 0% lên mức thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) trong khoảng thời gian 6 tháng (nếu khối lượng nhập khẩu trong năm trong khoảng từ trên 100% đến 150% ngưỡng quy định) hoặc 9 tháng (nếu khối lượng nhập khẩu trong năm trên 150% ngưỡng quy định).