Tiêu dùng
Xuất khẩu điện thoại “ngấm đòn” lạm phát
Hải Yến - 06/08/2023 09:45
Lạm phát khiến cầu tiêu dùng hàng điện tử tại nhiều thị trường lớn suy giảm, xuất khẩu ngành hàng điện thoại, máy tính, linh kiện bị tác động rất mạnh.
Ảnh minh họa.

Nhiều năm vững ngôi là ngành hàng đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cho nền kinh tế, những tháng gần đây, điện thoại đã nhường vị trí số 1 cho ngành hàng kế cận là máy tính, điện tử và linh kiện.

Đơn hàng xuất khẩu điện thoại từ vài tháng nay luôn trong tình trạng ít hơn so với máy tính, từ đó kéo theo giá trị xuất khẩu của 2 ngành chủ lực này có sự hoán đổi vị trí.

Nếu trung tuần tháng 6, máy tính mới chỉ vượt qua điện thoại khoảng 1 tỷ USD, thì hết tháng 7 đã nới rộng khoảng cách lên 3 tỷ USD và dự báo còn tiếp tục kéo giãn khoảng cách.

Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2023, máy tính, điện tử và linh kiện mang về 30,79 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ, còn điện thoại giảm 18,3%, đạt 27,8 tỷ USD.

Năm ngoái, riêng 2 ngành hàng này mang về kim ngạch xuất khẩu gần 113,5 tỷ USD trong tổng số 371,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 55,53 tỷ USD, còn điện thoại dẫn đầu, với 57,9 tỷ USD.

Bộ Công thương đánh giá, ngành điện tử tiếp tục đối mặt với tình trạng giảm đơn hàng, do thị trường máy tính và linh kiện toàn cầu đang sụt giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi. Đơn hàng điện tử mới trên thế giới đã bắt đầu giảm mạnh từ nửa cuối năm 2022, ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực điện tử tiêu dùng.

Đi qua 7 tháng của năm, xuất khẩu của 2 ngành hàng dẫn đầu cùng nhiều nhóm ngành hàng công nghiệp chế biến chế tạo khác vẫn tăng trưởng âm, có nghĩa sản xuất trong nước vẫn đang bị bao trùm bởi khó khăn khi tổng cầu hàng hóa thế giới suy giảm.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam do S&P Global vừa công bố cũng cho biết, PMI đã tăng lên 48,7 điểm trong tháng 7, nhích hơn so với 46,2 điểm của tháng 6. Việc PMI vẫn dưới ngưỡng 50 điểm đã phản ánh, ngành sản xuất Việt Nam dù có sự phục hồi nhẹ, song các điều kiện hoạt động vẫn suy giảm.

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nhận định, ngành sản xuất Việt Nam vẫn chịu áp lực khi các doanh nghiệp tiếp tục khó kiếm đơn đặt hàng mới, phải giảm sản lượng.

Cùng với điều chỉnh giảm sản lượng, tại không ít doanh nghiệp vẫn còn tồn kho hàng hóa chưa bán được. Trong khi đó, giá cả tiếp tục giảm, thời gian giao hàng của nhà cung cấp được rút ngắn khi năng lực sản xuất trong ngành chưa được dùng hết.

Theo thông lệ hàng năm, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng trở lại vào dịp cuối năm với nhiều đợt lễ lớn (giáng sinh, năm mới), các doanh nghiệp đang kỳ vọng điều này có thể giúp số lượng đơn đặt hàng tăng trở lại với các sản phẩm công nghệ cao, hàng điện tử, máy tính trong những tháng tới.

Từ thực tế hoạt động và đón nhận đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành, những tháng tới, ngành hàng máy tính, linh kiện có nhiều triển vọng để tiến đến thực hiện xuất khẩu bằng năm ngoái, hoặc kịch bản lý tưởng hơn là tăng trưởng dương ở mức 1-2% so với năm ngoái.

Nhưng với điện thoại, linh kiện sẽ rất khó tăng tốc, có chăng là đưa mức giảm kim ngạch xuất khẩu về dưới ngưỡng 2 con số. Bởi 7 tháng, xuất khẩu điện thoại giảm tới 18,3%, tương ứng với mức giảm khoảng 6 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.

Thêm một chỉ dấu cho thấy sự suy giảm trầm trọng của ngành hàng điện thoại là nhập khẩu linh kiện, điện thoại trong 7 tháng qua mới đạt trên 4 tỷ USD, giảm gần 70% so với mức thực hiện cùng kỳ. Việc nhập khẩu giảm phản ánh đơn hàng ít đi ở mức báo động. Đáng nói là, cả năm ngoái, chi nhập khẩu ngành hàng này giảm nhẹ 1,6%, nhưng vẫn tiêu tốn tới 21,12 tỷ USD.

Rõ ràng, nhu cầu tiêu dùng yếu đã tạo áp lực lớn lên hoạt động sản xuất của các nhà máy khắp châu Á, vốn là trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu toàn cầu. Nhu cầu từ một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, bao gồm Mỹ và EU đã giảm mạnh, xuất khẩu giảm tới 10,6% trong 7 tháng qua đã ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp.

Từ hơn chục năm nay, Việt Nam trở thành một trong những nước sản xuất hàng điện tử hàng đầu thế giới nhờ thu hút vốn FDI từ các tập đoàn công nghệ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, với các ông lớn trong ngành như Apple, Samsung, LG, Canon và Foxconn, Xiaomi…, đang phải chịu tác động mạnh từ suy giảm nhu cầu tiêu dùng.

Lúc này, các nhà sản xuất chỉ biết ngóng chờ sự ấm lên của thị trường tiêu dùng toàn cầu nhờ việc lạm phát dần hạ nhiệt tại Mỹ, EU, để có cơ hội đón thêm đơn đặt hàng mới.

Tin liên quan
Tin khác