Mặc dù cho rằng, việc tận dụng, nắm bắt cơ hội cũng như ứng phó với các thách thức từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN và các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, nhưng Bộ Công thương cũng thừa nhận, trước mắt, trong năm 2016, việc tận dụng được cơ hội các FTA thế hệ mới trong hoạt động xuất khẩu gạo chưa nhiều.
Đáng nói là thực tế buồn này lại diễn ra trong bối cảnh thị trường nội địa ngày càng bị cạnh tranh gay gắt khi nhiều tập đoàn đa quốc gia đang triển khai các kế hoạch thâm nhập, mở rộng, tiến tới chi phối hệ thống bán lẻ toàn quốc.
Cạnh tranh trong xuất khẩu gạo ngày càng gay gắt, không chỉ về giá xuất khẩu, mà cả chất lượng và thương hiệu. Ảnh: Đức Thanh |
Dẫu vậy, Báo cáo về xuất khẩu gạo vừa được Bộ Công thương gửi tới Thủ tướng Chính phủ cũng không hề nêu ra những lý do cụ thể vì sao gạo Việt Nam không tận dụng được các cơ hội mở ra từ các FTA thế hệ mới.
Trong số các giải pháp được đưa ra để đẩy mạnh xuất khẩu gạo năm 2016, Bộ Công thương có đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia gạo xuất khẩu, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật với bao bì gạo xuất khẩu phù hợp với yêu cầu thị trường, sớm đầu tư xây dựng cơ sở kiểm định chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn quốc tế tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tạo thuận lợi và giảm chi phí, thời gian cho công tác phân tích, kiểm định chất lượng gạo.
Hai giải pháp khác cho Bộ NN&PTNT cũng được nhắc tới có liên quan đến chất lượng gạo là rà soát lại danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép lưu hành tại Việt Nam để loại bỏ những chủng loại thuốc có chứa các hoạt chất độc hại, gây dư lượng hoá chất độc hại trong sản phẩm gạo và rà soát lại các biện pháp kiểm dịch thực vật của các nước, cũng như cam kết của Việt Nam liên quan đến mặt hàng lúa gạo để mở rộng thị trường.
Trên thực tế, cạnh tranh từ các nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan hay từ các nước có tiềm năng như Campuchia, Myanmar ngày càng gay gắt. “Cạnh tranh không chỉ diễn ra về giá xuất khẩu, mà còn cả chất lượng, thương hiệu. Lợi thế cạnh tranh về giá của Việt Nam hiện nay đã không còn như các năm trước, khi Thái Lan, do tồn kho gạo cũ lớn đã chấp nhận bán ra với giá thấp hơn mặt bằng chung của giá thế giới. Còn Pakistan hay Ấn Độ, có lợi thế địa lý, luôn có giá bán cạnh tranh với Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định.
Năm 2016, diện tích sản xuất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến đạt 4,3 triệu ha, sản lượng lúa đạt 25,745 triệu tấn, sản lượng lúa hàng hoá đạt 15,785 triệu tấn, sản lượng gạo hàng hoá là 7,892 triệu tấn.
Trước đó, theo thống kê của Tổng cục Hải quan trong năm 2015, xuất khẩu gạo đã đạt 6,586 triệu tấn với trị giá 2,8 tỷ USD. Kết quả này tăng 4% về lượng, nhưng lại giảm 4,5% về giá trị so với năm 2014.
Trong cơ cấu thị trường, khu vực châu Á vẫn nổi lên là thị trường xuất khẩu gạo trọng điểm của Việt Nam với khối lượng 4,89 triệu tấn, chiếm 74,49% tổng lượng gạo xuất khẩu. Ở khu vực này, Trung Quốc cũng là thị trường dẫn đầu khi nhập khẩu 2,16 triệu tấn gạo. Sau châu Á, thị trường xuất khẩu của gạo Việt Nam lần lượt là châu Phi, châu Mỹ và châu Úc. Điểm đáng chú ý trong hoạt động xuất khẩu gạo năm 2015 là nhờ có các hợp đồng tập trung mà giá lúa gạo ổn định, đảm bảo mức lãi định hướng bình quân cho nông dân trồng lúa.
Thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho biết, xuất khẩu gạo theo hợp đồng tập trung đạt 2 triệu tấn, chiếm 30,44%, tương đương năm 2014. Số còn lại là của các hợp đồng thương mại và tăng 5,84% so với năm 2014. Điều này có sự góp sức từ hợp đồng tập trung mà Tổng công ty Lương thực Miền Nam ký thành công với Philippines và Indonesia có khối lượng tới 1,45 triệu tấn vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2015.