Thời sự
Xuất khẩu gạo: Không nên bỏ trứng vào một giỏ
Minh Nhung - 05/09/2016 09:15
Xuất khẩu gạo sau khi đạt kỷ lục về khối lượng (8,015 triệu tấn) và kim ngạch (3,67 tỷ USD) vào năm 2012, đã giảm (hoặc tăng thấp) từ đó đến nay, đặc biệt từ tháng 5 đến nay.

Trong 8 tháng của năm 2016, xuất khẩu gạo ước đạt 3,37 triệu tấn, giảm 16%, với kim ngạch đạt 1,51 tỷ USD, giảm 13%. Với kết quả của 8 tháng và các yếu tố ảnh hưởng trong những tháng còn lại, có thể dự báo cả năm 2016 so với năm 2015 sẽ bị giảm 27,8% về lượng và giảm 23,9% về kim ngạch.

Nếu dự báo trên là đúng, thì năm 2016 so với đỉnh điểm đã đạt được vào năm 2012 đã bị giảm 40,7% về lượng và giảm 42% về kim ngạch.

Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đã bị thu hẹp đáng kể

Do lượng xuất khẩu gạo giảm, cộng với lượng sắn và sản phẩm từ sắn giảm sâu (18%), trong khi lượng nhập khẩu lúa mì tăng 41,5%, ngô tăng 5,1%..., nên giá lương thực ở trong nước tháng 8 giảm 0,35%, tính chung sau 8 tháng chỉ tăng 1,93% - thấp hơn tốc độ tăng giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chung trong cùng thời gian.

Lượng gạo xuất khẩu giảm do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân quan trọng là thị trường xuất khẩu gạo. Số thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2016 giảm khá mạnh, hiện chỉ còn khoảng 30 thị trường đạt trên 1.000 tấn. Số thị trường đạt từ 10.000 tấn trở lên chỉ còn 13, lớn nhất là Trung Quốc 1,041 triệu tấn, tiếp đến là Ghana 267.000 tấn, Indonesia 253.000 tấn, Bờ biển Ngà 129.000 tấn, Hongkong 60.000 tấn, Singapore 47.000 tấn, Đài Loan 23.000 tấn, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất 20.000 tấn, Hoa Kỳ 19.000 tấn, Brunei 14.000  tấn, Angola 13.000 tấn (so với cùng kỳ năm trước đã giảm 3 thị trường là Nga, Angieri, Nam Phi, tăng 2 thị trường là Brunei, Angola). Một số thị trường so với cùng kỳ năm trước lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam bị giảm mạnh: Philippines giảm 394.000 tấn, Trung Quốc giảm 287.000 tấn, Malaysia giảm 188.000 tấn, Singapore giảm 30.000 tấn, Bờ biển Ngà giảm 30.000 tấn, Nga giảm 26.000 tấn, Nam Phi giảm 16.000 tấn, Hoa Kỳ giảm 11.000 tấn, Ucraina giảm 5.000 tấn, Hongkong giảm 2.000 tấn...

Nhiều thị trường giảm nhập khẩu của Việt Nam, vì nhu cầu nhập khẩu giảm, vì nhập khẩu của một số nước khác (Thái Lan xả hàng tồn kho, Campuchia là thị trường xuất khẩu gạo mới nổi, Myanmar, Pakistan…), vì những quy định mới về nhập khẩu gạo Việt Nam của Trung Quốc… Vấn đề đặt ra là không nên bỏ trứng vào một giỏ.

Có nguyên nhân do nguồn cung, cơ cấu nguồn cung. Ở đầu vào, thời tiết khắc nghiệt cộng với xâm nhập mặn diện rộng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ làm cho diện tích, năng suất và sản lượng lúa ở vựa lúa này bị giảm; có thể bị giảm sâu hơn nữa do biến đổi khí hậu và nguồn nước bị chặn bởi nhiều công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông. Nhân đây cũng cần cảnh báo, trong điều kiện biến đổi khí hậu (Đồng bằng sông Cửu Long là 1 trong 3 đồng bằng lớn sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất của nước biển dâng), nếu thượng nguồn sông Mê Kông xả nước, thì sẽ bị áp lực cộng hưởng của nước lũ và nước biển dâng. Ở đầu ra, có hai yếu tố là giá xuất khẩu và thị trường xuất khẩu. Giá xuất khẩu gạo trong nhiều năm ở mức thấp (4 tháng năm 2012 là 472,0 USD/tấn, 4 tháng năm 2013 là 444,1 USD/tấn, 4 tháng năm 2014 là 456,2 USD/tấn, 4 tháng năm 2015 còn 436,4 USD/tấn, 4 tháng đầu năm 2016 nhích nhẹ lên 443,6 USD/tấn); trong khi USD bị mất giá khoảng 2%/năm, thì giá xuất khẩu tính bằng USD vẫn bị giảm. Nếu tính đổi ra VND, thì giá gạo xuất khẩu có những thời điểm còn thấp hơn giá gạo bán ở trong nước.

Tin liên quan
Tin khác