Thời sự
Xuất khẩu gạo nhắm 3 hợp đồng lớn
Thùy Liên - 08/05/2015 09:01
Nếu tận dụng được cơ hội xuất khẩu gạo vào các thị trường tập trung là Philippines, Malaysia và Indonesia, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ sôi động trở lại trong những tháng tới.

Các thị trường chính đều sụt giảm

Theo ước tính của Bộ Công thương, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo cả nước đạt 2 triệu tấn, trị giá 889 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2014, lượng xuất khẩu giảm 0,5%, nhưng trị giá giảm tới 5% do giá xuất khẩu giảm  5,1%.

Phải cân nhắc việc chuyển đổi giống lúa để tăng khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu gạo của Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

 

Đặc biệt, trong những tháng đầu năm, ngoại trừ thị trường Malaysia và châu Phi, hầu hết các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam đều giảm mạnh. Cụ thể, thị trường Philippines giảm 41%, Trung Quốc giảm 45,1%, Hong Kong giảm 41,2%. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nguyên nhân của sự sụt giảm đó là do nguồn cung của các nước xuất khẩu gạo trên thế giới dồi dào. Một mặt, lượng gạo tồn kho của Ấn Độ và Thái Lan khá cao nên các nước này giảm giá bán để tăng cạnh tranh, giành thị trường xuất khẩu tại châu Phi và Trung Đông. Mặt khác, Myanmar và Campuchia cũng tăng cường xuất khẩu vào thị trường EU, Trung Quốc.

Trong khi đó, theo số liệu của VFA, xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm thấp khiến cho  lượng tồn kho dự trữ và tồn kho của doanh nghiệp lên tới 1,7 triệu tấn. 

Ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Vinafood 2, kiêm Phó chủ tịch VFA cho biết, trên 50% lượng gạo mua dự trữ là gạo trắng thông thường (giống IR 50404), nhưng đây lại là mặt hàng đang tiêu thụ khó khăn nhất. Thực tế, dù xuất khẩu sang châu Phi 4 tháng đầu năm có tăng, song chủ yếu tăng ở mặt hàng gạo thơm, còn gạo trắng của Việt Nam sang thị trường này liên tục sụt giảm trong vài năm gần đây. Đây là điều đáng lo vì nhu cầu của thị trường châu Phi rất lớn, lên tới 14 triệu tấn/năm. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là giống gạo trắng IR 50404 của Việt Nam khá cứng cơm, trong khi gạo trắng Thái Lan dẻo hơn, giá cũng mềm hơn (người châu Phi ưa gạo dẻo).

Ông Năng cảnh báo, nếu không cải thiện, gạo trắng xuất khẩu sang châu Phi sẽ tiếp tục sụt giảm. Tuy vậy, việc chuyển đổi bao nhiêu sẽ phải cân nhắc, bởi đây là sản phẩm cạnh tranh chủ lực của Việt Nam tại thị trường Đông Nam Á, đây cũng là giống lúa cho năng suất cao, thời hạn sản xuất ngắn (chỉ 90 ngày).

 

Thị trường sẽ sôi động trở lại vào tháng 6

Dù xuất khẩu gạo đang giảm, nhưng theo ông Huỳnh Thế Năng, hoạt động này sôi động từ tháng 6, tháng 7 tới. Cụ thể, từ đầu năm tới nay, Philippines mới nhập khẩu 300 tấn gạo nhưng dự kiến cuối tháng 5 này, Philippines sẽ đấu thầu thêm 500 tấn nữa. Đây là cơ hội của Việt Nam.

Malaysia cũng cho biết, có thể mua thêm gạo của Việt Nam vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới. Ngoài ra, VFA và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương cũng đang xúc tiến bán gạo cho Indonesia.

Năm 2013, Indonesia không nhập khẩu gạo vì tự túc được, nhưng năm 2014 đã phải bắt đầu mua lại. Nhiều nguồn tin cho hay, dự trữ gạo của Indonesia đã cạn và sẽ phải nhập khẩu với khối lượng trong năm 2015. Phía Indonesia dự định sẽ sang Việt Nam đàm phán và đánh giá khả năng cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam vào cuối tháng 6 tới.

Như vậy, có 3 cơ hội xuất khẩu gạo theo hợp đồng lớn diễn ra trong vòng 3 tháng tới. Dĩ nhiên, để giành được các hợp đồng này, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh về giá và tăng tính chuyên nghiệp để giữ được thị trường.

“Trong ngắn hạn, thị trường gạo ấm lên vào tháng 5 và có thể sôi động trở lại vào tháng 6 và tháng 7. Tuy nhiên, về dài hạn, cần phải tính toán để đưa mặt hàng gạo thơm ra thị trường nhiều hơn nữa, trên cơ sở chuyển hóa giống, tạo liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Gạo thơm Việt Nam đang có con đường riêng bởi giá cạnh tranh hơn nhiều nước khác. Riêng với gạo trắng, cần đánh giá lại thị trường để có sự chuyển đổi phù hợp”, ông Huỳnh Thế Năng khuyến cáo.

Các doanh nghiệp cho rằng, nếu cơ quan quản lý làm tốt 3 yếu tố: tổ chức lại hệ  thống giống, liên kết sản xuất tốt, tăng cường dịch vụ và tổ chức lại hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cộng với sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp thì xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ giữ được sự ổn định cả về giá và thị trường. 

Lấn cấn nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay có lẽ là Trung Quốc. Dù Trung Quốc đang nổi lên là một trong những quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam, nhưng chủ yếu nhập khẩu qua đường tiểu ngạch nên độ rủi ro rất cao. Vì vậy, các bộ, ngành cần có giải pháp tháo gỡ.

Trước đó, kết luận tại cuộc họp về tình hình xuất khẩu gạo cuối tháng 4/2015 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu cơ quan chức năng rà soát các lối mở biên giới có đủ điều kiện để cho phép xuất khẩu gạo và xem xét bỏ thuế giá trị gia tăng 5% đối với gạo tiêu dùng trong nước. Thủ tướng cũng yêu cầu VFA, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó chủ lực là Vinafood 1 và Vinafood 2, chủ động tìm kiếm, ký kết các hợp đồng xuất khẩu, quản lý chặt chi phí để đẩy mạnh xuất khẩu gạo có hiệu quả.

Tin liên quan
Tin khác