Doanh nghiệp
Xuất khẩu gạo sang thị trường RCEP sắp chạm mốc tỷ USD
Thế Hải - 18/06/2022 14:37
Xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2022 mang về 1,35 tỷ USD, trong đó, riêng khối thị trường thuộc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã đóng góp 910 triệu USD.
Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tăng sản lượng và giá xuất khẩu gạo khi nhu cầu thị trường đang ở mức cao Ảnh: Đ.T

Duy trì tăng trưởng tại thị trường chủ lực

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm 2022, cả nước xuất khẩu gần 2,77 triệu tấn gạo, trị giá 1,35 tỷ USD, tăng 6,6% về lượng, nhưng giảm 4% về trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu trung bình đạt 489 USD/tấn, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, điểm nhấn là xuất khẩu sang khối thị trường RCEP tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ấn tượng. Các nước tham gia RCEP vốn là thị trường chủ lực của ngành gạo. Thêm vào đó, từ đầu năm 2022, RCEP chính thức đi vào thực thi, tạo thêm dư địa để các doanh nghiệp trong ngành tận dụng ưu đãi thuế quan cùng thủ tục hải quan thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu.

Cụ thể, xuất khẩu gạo sang các thị trường RCEP 5 tháng qua đạt 1,9 triệu tấn, trị giá 910 triệu USD, tăng 15,4% về lượng, tăng 4,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.

Năm 2022, ngành gạo đặt mục tiêu xuất khẩu 6,3 - 6,4 triệu tấn, trị giá 3,3 - 3,4 tỷ USD. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ cấu sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica, gạo trắng phẩm cấp cao để nâng cao giá trị xuất khẩu, khẳng định thương hiệu.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho hay, trong 5 tháng đầu năm, Philippines đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam với 1,27 triệu tấn, trị giá 590 triệu USD, chiếm 45,9% tổng lượng và 43,6% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Thị trường Trung Quốc đứng vị trí thứ 2, đạt 388.616 tấn, trị giá 204 triệu USD, chiếm trên 14% tổng lượng và 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Trong khi đó, xuất khẩu gạo sang các thị trường thuộc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt 214.705 tấn, trị giá 105,78 triệu USD, tăng 5,5% về lượng nhưng giảm 5,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.

Tăng xuất khẩu sản phẩm chất lượng cao

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, gạo Việt xuất khẩu gần 6,24 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, giảm 0,2% về lượng, nhưng tăng 5,3% về trị giá. Đặc biệt, giá xuất khẩu bình quân tăng 5,5% so với năm 2020.

Sản lượng thóc của cả nước trong năm 2021 đạt trên 43,86 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn. Mặc dù diện tích gieo trồng giảm gần 39.000 ha, nhưng năng suất tăng gần 1,9 tạ/ha so với năm 2020, nhờ đó đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, xuất khẩu và chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi...

Đáng nói là, sản xuất lúa tiếp tục xu hướng tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao để nâng cao giá trị thương hiệu hạt gạo Việt. Những năm trước, lúa chất lượng cao chỉ chiếm 35 - 40% trong cơ cấu sản xuất lúa gạo, nhưng đến năm 2020, con số này đã đạt 75 - 80%.

Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89% gạo xuất khẩu, góp phần nâng giá xuất khẩu bình quân từ 499,3 USD/tấn trong năm 2020 lên trên 526,9 USD/tấn trong năm 2021.

Nhiều địa phương rất chú trọng cơ cấu giống. Các giống đặc sản, lúa thơm được đưa vào canh tác ngày càng nhiều, giúp gạo Việt khẳng định thương hiệu ở nhiều thị trường “khó tính”.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An lý giải, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA… đang tạo dư địa cho gạo chất lượng cao của Việt Nam thâm nhập các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao. Doanh nghiệp nào sớm chuyển đổi mô hình sản xuất từ hàng chất lượng thấp sang các giống gạo thơm, đáp ứng được tiêu chuẩn từ các nhà nhập khẩu sẽ có cơ hội bán với giá tốt.

Trong số 15 FTA mà Việt Nam tham gia đã có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đang được Trung An khai thác khá hiệu quả. Riêng năm 2021, Trung An đạt mức tăng trưởng cao về kim ngạch so với năm 2020; trong đó tăng mạnh nhất là thị trường Hàn Quốc, chiếm đến 47,4% cơ cấu doanh thu xuất khẩu. Hàn Quốc là thị trường có yêu cầu cao về nông sản nhập khẩu, nhưng Trung An có tỷ lệ thắng thầu lớn trong các đợt đấu thầu lúa gạo của quốc gia này.

Năm 2022, tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA, Trung An đã ký được các đơn hàng xuất gạo thơm đi EU với giá trên 1.000 USD/tấn. Theo cam kết, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm và tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Cam kết này có thể giúp Việt Nam xuất khẩu khoảng 100.000 tấn gạo vào EU mỗi năm.

Đặc biệt, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm đối với sản phẩm từ gạo, mở ra cơ hội để gạo Việt nâng cao lợi thế cạnh tranh tại thị trường đầy tiềm năng này.

Covid-19 đã qua giai đoạn căng thẳng nhất, nhưng nhu cầu lương thực trên thế giới vẫn tăng mạnh. Kể từ thời điểm Covid-19 bùng phát trên toàn cầu vào tháng 3/2020 đến cuối năm 2021, giá lương thực nói chung và giá gạo nói riêng đã tăng mạnh, mặt bằng giá cao tiếp tục duy trì do vận tải hàng hóa gặp nhiều khó khăn vì xung đột Nga - Ukraine, giá cước tàu và container đều leo thang…

Nhìn lại diễn biến giá cả năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đánh giá, gạo là mặt hàng có giá trị tăng trưởng cao nhất trong các sản phẩm nông nghiệp, trong khi nhiều nông sản sụt giảm xuất khẩu trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Đặc biệt, nhu cầu gạo trên thị trường thế giới tăng cao khi nhiều quốc gia tăng dự trữ, tăng nhập khẩu. Nhờ những thuận lợi từ thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tăng sản lượng và giá xuất khẩu gạo.

Dù giá gạo 5 tháng qua sụt giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng các doanh nghiệp trong ngành khẳng định là không quá lo, bởi việc tăng giảm ở biên độ như vậy là diễn biến bình thường của thị trường. Vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp phải đảm bảo được chất lượng ổn định của các lô hàng xuất khẩu để giữ uy tín với các đối tác nhập khẩu.

Tin liên quan
Tin khác