Thời sự
Xuất khẩu hàng hóa sang ASEAN hồi phục mạnh
Thế Hải - 08/10/2021 14:15
Xuất khẩu hàng hóa sang thị trường ASEAN trong 9 tháng 2021 đã lấy lại được đà tăng trưởng sau năm 2020 giảm tốc, với kim ngạch đạt gần 20,6 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu hàng hóa sang thị trường ASEAN 9 tháng 2021 hồi phục mạnh, trị giá gần 20,6 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ.

Thông tin về tình hình xuất khẩu hàng hóa sang thị trường ASEAN trong 3 quý của năm 2021, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu nhiều nhóm hàng chủ lực đã có sự hồi phục mạnh mẽ, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 20,6 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2020, dưới các ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với ASEAN đạt 53,6 tỷ USD, giảm 6,8% so với năm 2019. Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu 9 tháng qua cho thấy, thương mại đã phục hồi, giúp Việt Nam lấy lại được đà tăng trưởng xuất khẩu.

Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và ASEAN trong 9 tháng 2021 đạt 50,9 tỷ USD, ước tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó Việt Nam xuất sang ASEAN gần 20,6 tỷ USD, tăng 20,8% và nhập từ thị trường này 30,347 tỷ USD, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Nguồn: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi

Khu vực thị trường ASEAN bao gồm 10 quốc gia thành viên: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, trong đó 9 thị trường trong khối là khu vực thị trường gần gũi và có vai trò hết sức quan trọng đối với Việt Nam.

9 tháng qua, Thái Lan tiếp tục dẫn đầu trong khối khi nhập nhiều hàng hóa Việt Nam với 4,3 tỷ USD, tăng 18,5%, Campuchia 3,5 tỷ USD, tăng 15,3%, Philippines gần 3,3 tỷ USD, tăng 20,7%, Malaysia 3,12 tỷ USD, tăng 25,2%, Singapore 2,8 tỷ USD, tăng 28,7%, Indonesia 2,79 tỷ USD, tăng 41%

Sau 26 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN, ASEAN luôn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Hiện, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của doanh nghiệp Việt Nam, sau Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu.

ASEAN cũng là khu vực thị trường giàu tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam. Với quy mô dân số hơn 655 triệu dân, trong đó hơn 50% thuộc độ tuổi lao động, tỷ lệ dân số thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng,  thị trường ASEAN có tiềm năng tiêu dùng mở rộng, có khả năng hấp thụ hàng hóa tốt.

Hiện nay, hầu hết hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này đều được hưởng ưu đãi với mức thuế quan 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) hoặc hưởng một số ưu đãi đặc biệt hơn theo các Hiệp định/Thỏa thuận thương mại song phương với từng nước như Hiệp định Thương mại Việt Nam – Lào, Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam – Campuchia...và sắp tới đây là RCEP đi vào thực thi sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại với khu vực này mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, theo nhận định của Vụ Thị trường châu Á- châu Phi,  trong thời gian tới, các nước ASEAN sẽ đẩy nhanh triển khai các biện pháp nhằm phục hồi kinh tế hậu Covid-19 như cam kết mở cửa thị trường, đảm bảo chuỗi cung ứng, thuận lợi hóa thương mại. Đây là các điều kiện hết sức thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng khai thác hơn nữa tiềm năng khu vực thị trường này.

Để duy trì hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu đã có với khu vực thị trường ASEAN và tận dụng các cơ hội để đa dạng hóa và mở rộng thị trường tại khu vực này, Bộ Công Thương lưu ý doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin về các chính sách, quy định của thị trường sở tại, đặc biệt là các yêu cầu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19.

Bởi trong giai đoạn này, các quy định, yêu cầu từ từng thị trường trong khối có thể thay đổi nhanh, bất ngờ, tùy theo diễn biến của dịch bệnh.

Doanh nghiệp cần chủ động xác thực thông tin đối tác tại nước sở tại bằng nhiều cách khác nhau để hạn chế các rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng và thanh toán.

"Dịch bệnh làm sự đứt gãy các chuỗi cung ứng phần nào ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp các nước, việc hạn chế đi lại khiến khả năng xác thực thông tin đối tác cũng gặp hạn chế. Do đó, khi trao đổi, giao dịch kinh doanh, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác như thông tin về tư cách pháp nhân, nguồn hàng hóa, khả năng tài chính… để tránh các rủi ro khi hợp tác", Bộ Công Thương nêu rõ..

Đặc biệt, gần đây một số nước ASEAN gia tăng áp dụng các rào cản thương mại hoặc biện pháp phòng vệ thương mại để hỗ trợ khôi phục sản xuất trong nước trong và sau đại dịch, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong trường hợp doanh nghiệp có mặt hàng bị ảnh hưởng hoặc bị điều tra.

Tin liên quan
Tin khác