Thiếu hụt nguồn nguyên liệu
Năm 2017, ngành điều của Việt Nam xuất khẩu 353.000 tấn, thu về 3,52 tỷ USD, nhưng phải chi tới 2,53 tỷ USD để nhập khẩu điều nguyên liệu.
Chế biến sâu là định hướng quan trọng để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành xuất khẩu hạt điều của Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh |
Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam luôn đứng trong top đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều (chiếm 28% lượng điều thô chế biến và trên 50% lượng hạt điều xuất khẩu toàn cầu), nhưng do thiếu hụt nguồn nguyên liệu, nên không thể chủ động kế hoạch sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2017, xuất khẩu điều đạt 3,52 tỷ USD, tăng 1,9% về lượng và tăng 23,8% về kim ngạch. Nếu tính cả các sản phẩm chế biến sâu và sản phẩm phụ (dầu vỏ hạt điều, cardanol...), kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt gần 4 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Trong 4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu hạt điều đạt 106.000 tấn, trị giá 1,06 tỷ USD, tăng 27,1% về lượng và tăng 35,3% về trị giá so với 4 tháng đầu năm 2017.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, trong vòng 30 năm qua, điều là cây công nghiệp duy nhất giảm diện tích, từ 440.000 ha năm 2008 xuống chỉ còn hơn 300.000 ha ở thời điểm hiện tại. Diện tích trồng điều bị thu hẹp, cùng với thời tiết khô hạn kéo dài đã trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn cung.
Theo tính toán, nhu cầu điều thô phục vụ chế biến xuất khẩu của các nhà máy chế biến điều trong nước khoảng 1,3 - 1,5 triệu tấn, trong khi sản lượng điều thô trong nước chỉ đạt khoảng 500.000 tấn. Do vậy, hàng năm, ngành điều Việt Nam cần nhập khẩu từ 800.000 tấn đến khoảng 1 triệu tấn để phục vụ sản xuất xuất khẩu.
Ông Đặng Hoàng Giang, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, chi nhập khẩu điều tăng mạnh đã được dự báo từ trước, dù vậy, do phụ thuộc lớn vào nguồn điều nhập khẩu, nên không thể tránh khỏi ảnh hưởng khi giá điều nhập khẩu biến động. Đơn cử, năm 2017, các doanh nghiệp đã phải chấp nhận mức giá nhập khẩu bình quân tăng khoảng 24,4% so với mức giá bình quân năm 2016.
Bên cạnh đó, quy mô, năng lực chế biến của các doanh nghiệp cũng bộc lộ những hạn chế. Cụ thể, cả nước hiện có 1.000 cơ sở chế biến hạt điều, công suất chế biến 1 triệu tấn sản phẩm/năm và gần 400 doanh nghiệp xuất khẩu điều, trong đó lượng doanh nghiệp có kim ngạch dưới 5 triệu USD/năm chiếm 73%.
Tăng giá trị từ khâu chế biến
Theo dự báo của Vinacas, hạt điều đang chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường hạt khô toàn cầu có kim ngạch khoảng 30 tỷ USD/năm và nhu cầu hạt điều vẫn đang tiếp tục tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu điều Việt Nam trong năm 2018 và các năm tới.
Trong khi diện tích trồng điều chưa được cải thiện, sản lượng còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thì việc tìm kiếm các thị trường cung cấp điều nguyên liệu cho các doanh nghiệp Việt Nam là kênh quan trọng, mang ý nghĩa quyết định đối với ngành xuất khẩu điều.
Thị trường cung cấp hạt điều lớn nhất cho Việt Nam đến thời điểm này là các nước châu Phi. Năm 2017, Bờ Biển Ngà tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất đối với mặt hàng điều thô của Việt Nam với kim ngạch đạt khoảng 849,5 triệu USD, chiếm 33,5% tổng nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Tiếp đến là Nigeria, với 182.000 tấn hạt điều thô, trị giá 320 triệu USD.
Nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp điều nguyên liệu có uy tín cho các doanh nghiệp Việt Nam, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nigeria mới đây đã có buổi làm việc với Hiệp hội Điều quốc gia Nigeria.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nigeria, ông Hoàng Tuấn Việt cho biết, trong điều kiện nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất phục vụ xuất khẩu, phải nhập khẩu trên 50% hạt điều nguyên liệu, thì việc tìm kiếm các nhà cung ứng quy mô, đảm bảo độ ổn định cho chế biến hàng xuất khẩu là yếu tố sống còn.
Trên thực tế, ngành điều trong nước từng đối mặt với câu chuyện chất lượng nguyên liệu điều nhập khẩu không đồng đều, chưa ổn định, làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm điều xuất khẩu.
Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phúc An, doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu hạt điều lớn nhất Bình Phước cho hay, dù Việt Nam là một trong những nhà cung cấp điều lớn nhất thế giới, nhưng bản chất chỉ là gia công, chưa đi vào chế biến sâu để tạo giá trị gia tăng cho hạt điều.
Giá điều bình quân các doanh nghiệp Việt Nam bán cho nhà xuất khẩu hiện chỉ ở mức 10 USD/kg, trong khi giá bán đến tay người tiêu dùng nước ngoài thường ở mức gần 30 USD/kg. Như vậy, các doanh nghiệp Việt chỉ chiếm 30% lợi nhuận trong chuỗi giá trị sản xuất ngành điều, phần lớn lợi nhuận rơi vào tay các nhà phân phối, siêu thị lớn của nước ngoài.